Bà Phạm Mỹ Hoa, Giám đốc Trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin - truyền thông thuộc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, cho rằng có thể đã khai nhầm nên nảy sinh việc hiểu nhầm về khối tài sản tăng thêm tới hàng chục tỉ đồng?!.
Trụ sở Sở TT-TT Hà Nội, nơi bản kê khai tài sản của bà Phạm Mỹ Hoa được niêm yết công khai. |
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về bản danh sách kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là khối tài sản tăng thêm trong năm 2012 của bà Phạm Mỹ Hoa, Giám đốc Trung tâm Giao dịch công nghệ TT-TT thuộc sở này.
Bản danh sách kê khai thu nhập, tài sản năm 2012 được Sở TT-TT Hà Nội niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan từ ngày 22/1 đến hết 28/2/2013. Trong số 73 cán bộ, nhân viên phải kê khai tài sản, 10 người thuộc diện có biến động tăng về tài sản, thu nhập; 62 người không có biến động và 1 người giảm về tài sản lẫn thu nhập. Trong 2 phó giám đốc Sở TT-TT có tài sản tăng thêm năm 2012, 1 vị có thêm ngôi nhà rộng 160 m2 và 1 vị có thêm 600 triệu đồng gửi tiết kiệm
Bà Hoa dẫn đầu danh sách về tài sản tăng thêm: Tăng 3 nhà ở với tổng diện tích 900 m2, tăng 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150 m2, tăng 3 khu đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích 20.765 m2, tăng 2 ô tô trị giá 2 tỉ đồng. Ước tính số tài sản tăng thêm của bà Hoa trong năm 2012 lên tới hàng chục tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Hoa cho rằng có thể đã khai nhầm nên nảy sinh việc hiểu nhầm về khối tài sản tăng thêm (?!). Sự “hiểu nhầm” này, theo bà Hoa, rơi vào cách tính diện tích của những ngôi nhà. Ví dụ, bà đã lấy diện tích của ngôi nhà nhân với số tầng ở, gây hiểu nhầm là 3 ngôi nhà rộng tới 900 m2. Ngoài ra, bà Hoa khẳng định những tài sản tăng thêm không có cái nào đứng tên riêng của bà mà do chồng làm thêm mà có.
Kê khai tài sản của bà Phạm Mỹ Hoa và các cán bộ khác được niêm yết công khai. |
Xác nhận về bản kê khai tài sản của bà Hoa, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, cho biết, bà được bổ nhiệm giữ chức giám đốc Trung tâm Giao dịch công nghệ TT-TT vào tháng 2/2012. Trước đó, bà Hoa giữ chức phó văn phòng của sở. Trong lần kê khai tài sản năm 2011, bà Hoa cho biết có 1 ngôi nhà và 1 ô tô. Khi đọc bản kê khai tài sản tăng thêm năm 2012 của bà Hoa, ông Động đã thắc mắc và được cấp dưới trả lời đây là khối tài sản do “ông bà để lại”.
Theo quy định, những cán bộ có tài sản tăng thêm giá trị trên 50 triệu đồng phải kê khai và việc kê khai đã có các quy định và hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, ông Động cho rằng trong bản kê khai có rất nhiều nội dung về tài sản mà nếu không hiểu rõ thì bản thân người kê khai cũng bị rối, khai nhầm (?!).
Sau khi niêm yết bản kê khai tài sản năm 2012, cơ quan vẫn chưa yêu cầu bà Hoa giải trình về nguồn gốc tài sản bằng văn bản. “Việc kê khai tài sản đến giờ vẫn theo kiểu để mọi người tự tiến hành, nếu thấy xuất hiện những tài sản nào bất thường hoặc bị phát hiện có tài sản lớn mà không được kê khai thì mới kiểm tra”, ông Động giải thích.
Đến thời điểm này, Sở TT-TT Hà Nội chỉ nắm bắt được thông tin kê khai tài sản của cán bộ và tiến hành báo cáo lên cấp trên, chưa khi nào thẩm tra về nguồn gốc, sự thật trong những kê khai đó.
Có dấu hiệu không trung thực Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 3/4, ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho biết, theo nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập thì dù đó là tài sản đứng tên vợ hay chồng đều phải kê khai. Việc tài sản đã phát sinh từ trước thời điểm kê khai nhưng không được kê khai là có dấu hiệu không trung thực, theo quy định hiện hành thì lãnh đạo cơ quan chủ quản có thể xem xét kỷ luật. Khối tài sản của bà Hoa dù xuất hiện từ trước và không được kê khai trong năm 2011 hay phát sinh trong năm 2012 nhưng cũng cần được cơ quan chủ quản làm rõ. Cơ sở để xác định tài sản tăng thêm có bất thường hay không, theo ông Thư, nằm ở chính sự khác biệt giữa bản kê khai tài sản năm trước và năm sau. |
Theo Người lao động