Là người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhiều năm của ngành Tư pháp Quảng Bình, bà Nguyễn Thị Lài - Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp- luôn trăn trở: “Vấn đề không phải là hình thức PBPL chưa phong phú, chưa đa dạng, hấp dẫn mà vấn đề là nhiều người dân còn nghĩ những gì tư pháp mang đến cho họ là chưa thực sự cần thiết”. Bà tâm sự về nghề.
Bà Nguyễn Thị Lài |
Hiểu biết pháp luật, người dân sẽ tự bảo vệ được mình
- Ngành Tư pháp đã nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, còn có tiếp nhận hay không lại là việc khác. Vì vậy hiệu quả PBPL của ta chưa được như mong muốn?
- Đánh giá hiệu quả của công tác PBPL phải dựa trên hai tiêu chí: chi phí ít nhất và nhận thức đạt được cao nhất, nhưng cả hai nội dung này đều rất khó đánh giá. Hiện nay, có một thực tế phải thừa nhận rằng, đối tượng nhận thức không phải ai cũng giống ai, nhiều người cho rằng trang bị kiến thức pháp luật không cấp thiết như việc cần có miếng cơm, manh áo.
Nhiều khi, bản thân ngành Tư pháp đã lựa chọn những nội dung pháp luật cần thiết, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, với cách chuyển tải phù hợp với từng đối tượng. Tuy nhiên, nếu người dân không quan tâm thì cũng có cách gì ép được họ. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là phải làm cho người dân nhận thức được nếu có hiểu biết pháp luật họ sẽ bảo vệ được chính mình. Ngược lại, ngành Tư pháp hay bất cứ ngành nào thực hiện việc tuyên truyền pháp luạt cũng cần liên tục đổi mới theo hướng thiết thực và hấp dẫn hơn…
- Quảng Bình từng thử nghiệm nhiều hình thức PBPL, theo bà, hình thức nào đang phát huy hiệu quả?
- Có thể điểm ra nhiều hình thức Quảng Bình đã thực hiện như tuyên truyền qua hội nghị, qua phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, cấp phát tài liệu, tủ sách, qua các Câu lạc bộ, hoạt động trợ giúp pháp lý, ngày pháp luật, hòa giải…Hình thức nào cũng có những ưu, nhược điểm của nó, vấn đề là hình thức nào hiệu quả phải tùy từng đối tượng và nội dung văn bản cần tuyên truyền.
Đầu tư cho hòa giải là đầu tư “xứng đáng” nhất
- Nhưng nếu để có một sự ưu tiên, cá nhân bà sẽ ưu tiên cho hình thức tuyên truyền nào?
- Tôi sẽ lựa chọn hòa giải, đây là hình thức hiệu quả và ít tốn kém. Ta hình dung thế này, hòa giải chưa chắc cứ giở luật ra là xong, vì có nhiều người được hòa giải họ rất hiểu biết pháp luật. Cái căn bản là dùng tình cảm, tình đoàn kết xóm giềng để khuyên răn, giải thích mới hóa giải được mâu thuẫn.
Hiện nay Quảng Bình có gần 1500 tổ hòa giải với gần 10 ngàn tổ viên. Thời gian qua các tổ hòa giải đã phát huy vai trò của mình trong việc hóa giải các tranh chấp ở công đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện lên cấp trên. Trong 5 năm (2005-2010) các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải trên 11 ngàn vụ việc, những vụ hòa giải không thành đã hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, cái mắc nhất là hiện nay chi cho công tác hòa giải ở Quảng Bình thì đã có nhưng chi thù lao theo Thông tư 73 thì chưa.
- Nói như vậy, tức là quan trọng nhất là vấn đề về kinh phí?
- Đúng vậy. Vừa qua HĐND đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết. Tôi tin tưởng vấn đề kinh phí cho hòa giải tới đây sẽ được HĐND quyết định. Chúng tôi không đề nghị ở mức tối đa như Thông tư 73 (100 ngàn/vụ/tổ) mà chỉ đề nghị 70 ngàn. Dự kiến số tiền này sẽ là khoảng trên 2 tỷ đồng, nếu tỉnh quyết, việc kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động các tổ hòa giải sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Tỉnh tạo điều kiện, tư pháp phải nỗ lực hơn
- Năm 2011 vừa qua, Sở Tư pháp Quảng Bình được nhận Cờ thi đua của Bộ Tư pháp, kết quả này có đóng góp của công tác phổ biến giáo dục pháp luật?
- Ngành Tư pháp có thuận lợi lớn là cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm, tư pháp nói chung và lĩnh vực PBPL nói riêng. Hầu như khi triển khai các văn bản, chủ trương mới của TW, Ủy ban tỉnh đều có văn bản triển khai. Điều này giúp chúng tôi có cái “gậy” trong triển khai nhiệm vụ. Hiện nay, Tư pháp cũng đang xây dựng đề án “nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”, sắp tới sẽ tình UB tỉnh xem xét, ban hành.
Vấn đề kinh phí, UB cũng rất quan tâm, nếu năm 2010 chúng tôi được cấp hơn 900 triệu thì 2011, con số này đã tăng hơn gấp đôi. Chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thì tư pháp cũng phải đổi mới, nỗ lực nhiều hơn trong nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
Chúng tôi cũng nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ. Bên cạnh đó, kết quả trong hoạt động tư pháp đương nhiên có nỗ lực của anh em toàn ngành, sự phối kết hợp của các ban ngành, đoàn thể…
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Thu Hằng (thực hiện)