Ngày 12/12, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Phạm Duy Quyền (SN 1997, ở Ninh Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 12/2021, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) nhận được đơn của Cty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) tố cáo Phạm Duy Quyền có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của Cty thông qua việc làm giả hồ sơ mở thẻ tín dụng của 143 khách hàng.
Vào cuộc điều tra, Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, Phạm Duy Quyền là khách hàng đã vay tiền của Cty VietCredit. Do đó, Quyền phát hiện sơ hở trong quy trình làm thủ tục và thẩm định cho vay của VietCredit.
Theo đó, khách hàng chỉ cần cung cấp: ảnh chụp chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD); ảnh khách hàng cầm thẻ của VietCredit; Giấy đề nghị phát hành và sử dụng thẻ vay; Phiếu thu thập thông tin khách hàng; Phiếu nhận thẻ vay; Giấy xác nhận công tác và cung cấp số điện thoại người thân để bộ phận thẩm định của Cty xác minh thông tin này qua điện thoại là có thể vay tiền. Phát hiện ra lỗ hổng trên, Phạm Duy Quyền đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Cty này.
Để thực hiện hành vi tội phạm, Quyền nói dối với các nhân viên kinh doanh của Cty VietCredit là do tình hình dịch bệnh COVID-19, có nhiều khách hàng nhờ anh ta làm thủ tục vay tiền, một số nhân viên kinh doanh của Cty đã nhận Quyền là cộng tác viên. Sau khi kiếm được chân cộng tác viên của Cty VietCredit, Quyền tự tổ chức hội thảo và thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo đăng trên hội nhóm với nội dung: “Tuyển người nghe hội thảo VietCredit, ai đến dự sẽ được trả 80.000 đồng tiền mặt”. Thậm chí Quyền còn thuê người dụ khách đến tham dự hội thảo với chi phí 30.000 đồng/khách.
Bằng hình thức trên, Phạm Duy Quyền đã thu hút được nhiều sinh viên đang học tập trên địa bàn Hà Nội đến dự hội thảo. Sau khi tập hợp được khách hàng tới hội thảo, Quyền gọi các nhân viên kinh doanh của Cty VietCredit đến chụp ảnh CMND hoặc CCCD và chụp ảnh khách hàng cầm 1 thẻ ATM in logo VietCredit (thẻ rút tiền) với nhân viên kinh doanh của Cty VietCredit.
Quyền nói dối với các nhân viên VietCredit là các khách hàng này đều nhờ anh ta làm giúp hồ sơ vay tiền. Các nhân viên tin tưởng nên thu thẻ ATM đưa cho Quyền để anh ta hoàn thiện hồ sơ vay tiền chuyển lại cho họ.
Sau đó, Phạm Duy Quyền đã liên hệ với một số đối tượng trên mạng xã hội Facebook để làm giả hợp đồng lao động, bảng lương, giấy xác nhận công tác… Quyền tự điền các thông tin vào “Giấy đề nghị phát hành và sử dụng thẻ vay”. “Phiếu nhận thẻ vay” và cung cấp số điện thoại.
Theo quy trình thẩm định của VietCredit, bộ phận thẩm định của Cty sẽ gọi điện đến số điện thoại đăng ký được ghi trong “Phiếu thu thập thông tin khách hàng” để xác minh thông tin khách hàng. Do đó, Quyền mua nhiều điện thoại (một số máy có chức năng đổi giọng từ nam sang nữ) và mua nhiều sim rác để lắp vào máy.
Khi các nhân viên thẩm định gọi vào các số điện thoại để thẩm định, Quyền giả làm khách hàng hoặc người thân của khách hàng trả lời các câu hỏi của nhân viên thẩm định. Trường hợp người thân ghi trong hồ sơ là nữ, Quyền sử dụng máy đổi giọng từ nam sang nữ để trả lời.
Sau khi thẩm định, Cty VietCredit giải ngân cho 143 khách hàng vào tài khoản của 143 thẻ ATM. Lúc này, Quyền sử dụng thẻ ATM rút được tổng số hơn 2,1 tỷ đồng. Sau khi bị Cty VietCredit phát hiện, Quyền đã bồi thường, trả lại cho hơn 931 triệu đồng, số tiền còn chiếm đoạt được xác định là hơn 1,1 tỷ đồng. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, gia đình bị cáo Quyền đã bồi thường thêm được hơn 200 triệu đồng.
Với hành vi nêu trên, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo Quyền mức án 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”./.