Sáng 28/3, Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức hội nghị triển khai công tác về IPv6 nhằm đánh giá kết quả thực hiện Giai đoạn 1 Chương trình IPv6 For Gov, triển khai nhiệm vụ chuyển đổi IPv6 Internet Việt Nam năm 2023.
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Phạm Đức Long và đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ ngành; Các Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông...
Thực hiện nội dung “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)” theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030, năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, giao nhiệm vụ công tác chuyển đổi IPv6 Việt Nam với chỉ tiêu bứt phá, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60-70%, Việt Nam vượt lên đứng thứ 6-8 toàn cầu.
Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác về IPv6. |
Tổng Công ty Viễn thông MobiFone là một trong các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong công tác chuyển đổi IPv6 làm nền móng xây dựng hạ tầng số để chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số tại Việt Nam. Từ năm 2018, mạng lưới của MobiFone đã hoàn thành khai báo sẵn sàng cho IPv6 theo cơ chế Dual Stack IPv4v6. Sau khi triển khai, các chỉ tiêu chất lượng của các dịch vụ trên hạ tầng IPv6 của MobiFone đều ổn định.
Theo đó, MobiFone là doanh nghiệp có % IPv6 chung cao nhất với tỷ lệ 73% và là doanh nghiệp duy nhất đạt/ vượt mục tiêu đề ra của Bộ Thông tin Truyền thông (60-70%). Sau MobiFone là Viettel với tỷ lệ 58%, FPT Telecom 52% và VNPT 39%.
Trong mạng di động thế hệ 4G, 5G, giao thức IPv6 hỗ trợ hoạt động mạng lưới, dịch vụ tốt hơn, đơn giản kiến trúc mạng, cho phép trải nghiệm tới người dùng tốt hơn và hỗ trợ mạng lưới bảo mật nhiều lớp. Chính vì vậy mà hiện nay các doanh nghiệp viễn thông, trong đó có MobiFone đang tích cực thực hiện chuyển đổi hạ tầng từ IPv4 sang IPv6, mục tiêu hướng tới chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT và sẵn sàng triển khai IPv6 only trên toàn quốc.
Nhằm hỗ trợ khách hàng có thể sử dụng và trải nghiệm các dịch vụ trên hạ tầng IPv6, MobiFone đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối lớn để cập nhật cấu hình IPv6 trên điện thoại khách hàng sử dụng.
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác về IPv6. |
Đại diện MobiFone cho rằng, việc triển khai IPv6 sẽ giảm bớt gánh nặng tài nguyên IPv4 cạn kiệt khi số lượng thuê bao data tăng nhanh, đồng thời cho phép phát triển các loại hình dịch vụ mới trong cuộc cách mạng 4.0 như IoT, thực tế ảo, thành phố thông (smart city), chuyển đổi số…là điều kiện tiên quyết để Việt Nam xây dựng và phát triển các công nghệ, nền tảng phục vụ chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số.
Là doanh nghiệp dẫn đầu về tỷ lệ sử dụng Ipv6, MobiFone đã trình bày trước hội nghị về các giải pháp triển khai và giải pháp tăng lưu lượng sử dụng IPv6 trong thời gian tới. MobiFone sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các Bộ ngành địa phương chuyển đổi hạ tầng, dịch vụ, xây dựng và tư vấn lộ trình cụ thể để chuyển đổi cho các thuê bao đầu cuối còn lại chưa hỗ trợ IPv6, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển đổi toàn bộ Internet Việt Nam sang IPv6, 100% thuê bao Internet Việt Nam hoạt động với IPv6 (Fixed, Mobile); 100% doanh nghiệp IDC, Cloud, Hosting, nội dung số… cung cấp dịch vụ trên nền IPv6; Triển khai IPv6 only, IPv6 cho 5G, Cloud, IoT và nghiên cứu triển khai IPv6+.