Gặp Tổng Thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế
Bày tỏ vui mừng được gặp lại Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, ông Christophe Bernasconi, Tổng Thư ký HccH nhấn mạnh, tư pháp quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống pháp lý quốc tế khi giao lưu dân sự, thương mại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng và kéo theo đó là phát sinh theo hướng ngày càng phức tạp các vấn đề dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài cần phải xử lý.
Đánh giá cao Việt Nam tham gia HccH từ năm 2013 và đã gia nhập 03 Công ước của HccH (Công ước nuôi con nuôi, Công ước tống đạt, Công ước thu thập chứng cứ), ông Tổng Thư ký cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tham gia nhiều hơn các công ước thuộc hệ thống HccH, đặc biệt là Công ước miễn hợp pháp hóa giấy tờ công của nước ngoài (Công ước Apostille) và điều này sẽ chỉ có lợi cho Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, qua đó tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vốn được đánh giá là rất năng động hiện nay.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận sự cống hiến không mệt mỏi của ông Christophe Bernasconi cho sự nghiệp tư pháp quốc tế trong gần 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm vị trí Tổng Thư ký HccH. Đồng thời đề nghị HccH quan tâm tạo điều kiện cho các cán bộ pháp luật và tư pháp của Việt Nam có cơ hội được thực tập, làm việc tại tổ chức uy tín này.
Năm 2023 là năm đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập HccH, Thứ trưởng đề nghị HccH nghiên cứu phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức sự kiện đánh giá chặng đường 10 năm Việt Nam tham gia tổ chức này cũng như thào luận về định hướng tham gia một cách sâu rộng hơn của Việt Nam vào HccH trong thời gian tới.
Gặp Chánh văn phòng Toà án Công lý quốc tế
Tại buổi làm việc với ICJ, ông Philippe Gautier, Chánh Văn phòng ICJ giới thiệu sơ bộ về ICJ và điểm qua một số vụ việc mà ICJ đang thụ lý. Theo đó, ICJ thành lập và hoạt động theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Thẩm quyền của Tòa án bao gồm tất cả các vụ tranh chấp do các bên đồng thuận đệ trình về các vấn đề quy định cụ thể trong Hiến chương Liên hợp quốc tế và các công ước quốc tế khác có hiệu lực. ICJ đã có nhiều kinh nghiệm xử lý các vụ việc liên quan đến nhân quyền và luật biển. Về đội ngũ thẩm phán, ICJ có 15 thẩm phán thường trực quốc tịch khác nhau do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bầu ra.
Khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam là nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình công lý và lẽ phải đồng thời đánh giá cao vai trò của ICJ trong việc duy trật tự thế giới dựa trên luật lệ, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề xuất ICJ tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam thông qua việc hỗ trợ công tác đào tạo kiến thức về pháp luật quốc tế cho đội ngũ cán bộ pháp lý của Việt Nam.
Ông Chánh Văn phòng đồng tình với đề xuất của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, đồng thời gợi ý một số phương thức mà cán bộ pháp luật của Việt Nam có thể tiếp cận với hoạt động của ICJ, như: tham gia thực tập/làm việc dài hạn từ 10 tháng đến dưới 4 năm (có trả lương, tuyển dụng theo nguyên tắc công khai và cạnh tranh, yêu cầu thông thạo tiếng Anh và/hoặc tiếng Pháp, có trình độ sâu về pháp luật quốc tế).
Ngoài ra, ICJ cũng sẵn sàng cử các chuyên gia tham dự các hội thảo/khóa đào tạo do Việt Nam đề xuất tổ chức. Về học thuật, Học viện La Hay về luật quốc tế đóng tại Cung Hòa Bình (cùng tòa nhà với ICJ và PCA) với bề dày hoạt động hơn 100 năm cũng là một địa chỉ uy tín hàng đầu thế giới để sinh viên/cán bộ pháp luật Việt Nam có thể lựa chọn để học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên sâu về lĩnh vực công pháp quốc tế.
Có thể nói rằng kết quả của 2 cuộc làm việc của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc với 2 thiết chế hàng đầu thế giới về công pháp và tư pháp quốc tế sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội tăng cường hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho sinh viên/cán bộ pháp luật của Việt Nam trong việc việc tiếp cận với “thủ đô công lý quốc tế” tại địa bàn La Hay, Hà Lan.