Khu thương mại tự do (FTZ) không còn xa lạ với nhiều nước phát triển trên thế giới, là “chìa khóa” thu hút đầu tư, công nghệ và phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, loại hình này vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng đã được Chính phủ trình lên Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 188/TTr-CP ngày 26/4/2024.
Báo Pháp luật Việt Nam giới thiệu bài viết của KTS Vũ Quang Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao & các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) cho thấy tầm quan trọng của khu thương mại tự do gắn với cảng biển ở Đà Nẵng cùng với các tác động cơ bản đến kinh tế - xã hội địa phương.
Sự cần thiết thành lập FTZ gắn với cảng biển
Các khu thương mại tự do (FTZ) là một mô hình khá phổ biến trên thế giới được hình thành sớm ở những cảng biển quốc tế, rầm rộ nhất từ khi logistics ra đời và thế giới đi vào xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế. Có thể định nghĩa đó là khu vực liền kề với cảng, trong đó hàng hóa có thể lưu trữ trong thời gian dài mà không bị đánh các loại thuế hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và luôn được bảo đảm thanh toán thuế đối với hàng tồn kho. FTZ không quy định giới hạn về thời gian lưu trữ, bán, triển lãm, tháo dỡ, đóng gói lại, lắp ráp, phân phối, lựa chọn, phân loại, tẩy sạch, kết hợp với hàng hóa nước ngoài hoặc trong nước, tiêu hủy, dán nhãn và sản xuất ngay trong FTZ.
Những quốc gia công nghiệp phát triển gần như đều xây dựng FTZ sau các cảng biển của mình, nhiều ít tùy thuộc vào trình độ phát triển ngoại thương và du nhập logistics của nước đó. Cụ thể như châu Âu có Trung tâm khu thương mại tự do Rotterdam (Hà Lan) và Bremen (Đức)…; châu Mỹ có Los Angeles, Boston, châu Á - Thái Bình Dương có Thượng Hải, Singapore, Hồng Kông… Những nơi đó chẳng những là đầu mối của khu vực mà còn là trung tâm phân phối hàng hóa thế giới.
Mặc dù mô hình FTZ có nhiều ưu điểm vượt trội như vậy nhưng tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa từng được thí điểm. Nguyên nhân đầu tiên do hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển các FTZ chưa được luật định. Việc xã hội chưa hiểu đúng và phân biệt rõ ràng các thuật ngữ như khu phi thuế quan, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, kho ngoại quan hay FTZ theo định nghĩa quốc tế cũng là một rào cản không nhỏ. Đây cũng là lý do dẫn đến việc FTZ chưa được nhìn nhận đầy đủ về các lợi ích đem lại từ các tác động của chúng dưới góc độ kinh tế - xã hội.
Để phát triển FTZ trở thành một đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế ở Đà Nẵng, cần xác định địa điểm, quy mô xây dựng FTZ trên địa bàn phù hợp với các quy hoạch liên quan, thực trạng và định hướng phát triển kết nối giao thông, dịch vụ ở quy mô vùng và liên vùng. Mặt khác, cần rà soát và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách kinh tế - thương mại và các chính sách liên quan, như phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tiện ích (tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, y tế…), phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trong FTZ…
Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng như hiện nay, vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, đồng thời là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây hoàn toàn có thể thiết lập được FTZ. Tại đây, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hoá đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là điều thuận lợi lớn. Để làm được điều này rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương để làm sao có thể quy hoạch và tạo ra được một FTZ trong thời gian sớm nhất.
Đà Nẵng đủ điều kiện để thành lập FTZ, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung. |
Tiềm năng của FTZ Đà Nẵng
Theo “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” và “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, FTZ Đà Nẵng có thể đặt ở khu vực Tây Bắc thành phố. Bởi khu vực này gắn với cảng biển Liên Chiểu - là yếu tố thuận lợi hàng đầu cho một FTZ. Hơn thế nữa, khu vực này hiện nay có chủ yếu các khu/cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, dân cư chưa nhiều nên việc quy hoạch thành FTZ tương đối dễ dàng. Khi đó toàn bộ khu vực Tây Bắc thành phố sẽ như một kho ngoại quan khổng lồ, hàng hóa đưa xuống các kho, bãi ở đây chưa phải đóng thuế, có thể tiếp tục chế biến, lắp ráp, chia tách để đưa tiếp đi nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam.
FTZ Đà Nẵng là nơi các quốc gia, địa phương thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, mang tính đột phá, dẫn đầu xu hướng, tạo ra các giá trị vượt trội; đặc biệt các chính sách về kinh tế đối ngoại. Qua đó, giúp đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại; đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước. FTZ Đà Nẵng sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại của Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…), góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đặc biệt, FTZ Đà Nẵng giúp gia tăng danh tiếng về môi trường kinh doanh của TP Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Dưới góc độ văn hóa - xã hội, FTZ Đà Nẵng với các dịch vụ đẳng cấp sẽ tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn cho du khách quốc tế. Sự mở rộng quan hệ, tiếp xúc thường xuyên giữa khách du lịch, cùng với lượng lớn lao động buôn bán, qua lại trong FTZ là các cơ hội thuận lợi cho việc tiếp cận, tìm hiểu, trao đổi hàng hóa, giao lưu của các nền văn hóa khác nhau; tạo ra việc làm mới, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương và các vùng lân cận; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở Đà Nẵng và các địa phương khác do hiệu ứng lan tỏa mang lại.
Đà Nẵng vẫn chưa có những dự án mang tính động lực để thúc đẩy phát triển, xứng tầm với vai trò, vị trí đặt ra. Việc thí điểm FTZ gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu/cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai (Khu công nghiệp: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và cụm công nghiệp: Hòa Liên, Cẩm Lệ…); kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn. Với những tiềm năng và lợi thế đó, FTZ Đà Nẵng cùng các khu chức năng ở vùng Tây Bắc thành phố có thể kết hợp để trở thành SEZ thứ 4 của Việt Nam trong tương lai.
FTZ Đà Nẵng sẽ là địa điểm lý tưởng cho hoạt động thương mại, dịch vụ, tiếp giáp với các khu/điểm du lịch có thương hiệu trên địa bàn Hòa Vang như: Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu vực Hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, Khu du lịch Khe Răm…
FTZ Đà Nẵng được thành lập sẽ có tiềm năng thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao làm đa dạng hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với vai trò trung tâm của TP Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.