Từ vô danh, Uniben vươn lên dẫn đầu
Báo cáo mới đây nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel trên cả nước (trừ khu vực 4 thành phố lớn Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng) cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, nhãn hiệu mì 3 Miền của Công ty Uniben tiếp tục tăng trưởng và là nhãn hiệu có thị phần dẫn đầu, xét về giá trị là 22,7% (tăng 1,6%), còn xét về sản lượng là 27,1% (tăng 1,9%).
Đặc biệt ở phân khúc trung cấp (giá 3.500VND/gói) , mì 3 Miền GOLD tiếp tục tăng trưởng hơn 3% trong 6 tháng đầu năm 2017.
Mì 3 miền bán chạy là lực đẩy giúp Uniben tăng trưởng 1,5% về thị phần giá trị đạt 23,1% và tăng thêm 2% thị phần sản lượng đạt 27.4%. Dù chưa có số liệu của Acecook nhưng có thể ước tính Uniben cùng với Acecook vẫn là 2 công ty đang dẫn đầu về thị phần mì gói tại khu vực nông thôn.
Số liệu của tổ chức thống kê này cũng cho thấy, mì 3 Miền đang là thương hiệu có điểm số tiếp cận người tiêu dùng cao thứ 2 trên thị trường khu vực nông thôn, chỉ sau Nam Ngư. Mì 3 Miền vượt qua hàng loạt thương hiệu mì ăn liền khác như Gấu Đỏ của Asiafoods, Hảo Hảo của Acecook, Kokomi của Masan.
Nhờ sản phẩm chủ lực mì 3 Miền, Uniben những năm gần đây liên tiếp trở thành 1 trong 10 công ty thương hiệu được biết đến nhiều nhất khu vực nông thôn. Vị trí của Uniben năm 2015 là thứ 8 và sang năm 2016 vừa qua đã nhảy lên vị trí thứ 6.
Không chỉ có mì 3 Miền cho khu vực nông thôn, Uniben còn phát triển nhiều sản phẩm tiêu dùng khác, như Reeva phục vụ xuất khẩu, hay hạt nêm 3 Miền.
Bí quyết nằm ở 5 giá trị cốt lõi
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc Maketing của Uniben cho biết, Uniben tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, được thành lập vào tháng 6/1992. Nhưng trong những năm đầu thành lập, Việt Hưng chủ yếu sản xuất mì ăn liền cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tới năm 2003 Công ty mới xây dựng thương hiệu mì 3 Miền ở thị trường nội địa và đến năm 2012, Công ty cho ra mắt thương hiệu Reeva cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc Maketing của Uniben (thứ 3 từ trái sang) cho biết Uniben coi trọng 5 giá trị cốt lõi |
Điều ngạc nhiên là suốt khoảng thời gian này, thương hiệu mì của Việt Hưng chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết tới do chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu. Năm 2014 công ty chính thức đổi tên thành công ty UNIBEN và chỉ trong hơn 2 năm đã vươn lên vị trí số 2 trên thị trường.
Bí quyết của thành công này, theo ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, nằm ở 5 giá trị cốt lõi của Uniben là: Khách hàng - Hợp tác - Hoàn hảo- Kỷ luật và Chính trực.
Uniben đặt mục tiêu trở thành Công ty đa thương hiệu, đa sản phẩm, đa quốc gia với sứ mệnh cung cấp những sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, đa dạng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá thành hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững để đam lại những giá trị tốt nhất cho nhân viên, đối tác, nhà đầu tư và đóng góp cho sự phát triển của xã hội
Hiện Uniben có 2 nhà máy sản xuất tại Bình Dương, Hưng Yên với 150 nhà phân phối trên cả nước, sản phẩm xuất hiện trên 500 siêu thị, 100 nghìn cửa hàng.
Tại Hưng Yên, Nhà máy UNIBEN đặt tại KCN Phố Nối A được thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu, xây dựng trên diện tích đất 6 ha, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn B, với các dây chuyền sản xuất gần như tự động hóa hoàn toàn, được nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản… chuyên sản xuất các sản phẩm mì, bún, cháo, phở ăn liền, hạt nêm, nước mắm. Nhà máy này nằm trong kế hoạch hiện đại hóa sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tích cực chuẩn bị cho AFTA, với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng của UNIBEN.
Khi hoạt động hết công suất, nhà máy có thể cung cấp trên 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm, đảm bảo chất lượng ở mức cao để cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Các thương hiệu chủ lực của UNIBEN là Reeva và 3 Miền, trong đó 3 Miền là thương hiệu mì gói số 1 Việt Nam hiện nay và hạt nêm 3 Miền hiện là hạt nêm duy nhất có bổ sung i-ốt tại Việt Nam.