Bất cập của pháp luật hiện hành qua thực tiễn giải quyết các vụ án về tai nạn giao thông

(PLM) - Các vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thời gian qua có những diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nhiều quy định pháp luật trên lĩnh vực này không còn phù hợp. Điều này gây ra không ít khó khăn đối với công tác xét xử của Tòa án.
Các vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thời gian qua có những diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)
Các vụ án xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thời gian qua có những diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)

Thống kê gần đây của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy trong năm 2020 các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 4.045 vụ với 4.212 bị cáo; đã xét xử 3.754 vụ với 3.892 bị cáo trong các vụ xâm phạm trật tự an toàn giao thông. So với năm 2019, số thụ lý tăng 99 vụ với 151 bị cáo, số xét xử tăng 419 vụ với 763 bị cáo. Đáng nói là các vụ án có mức độ, tính chất nghiêm trọng có xu hướng gia tăng làm thiệt hại lớn cả về tính mạng và tài sản. Qua công tác xét xử của ngành Tòa án, có một thực tế phải thừa nhận rằng, việc giải quyết các vụ án về vi phạm giao thông đang gặp một số khó khăn nhất định, xuất phát từ những bất cập, thiếu sót từ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Một số quy định chưa rõ ràng

Một số quy định trong Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm an toàn giao thông chưa được xác định cụ thể. Cụ thể là ở Mục 1 Chương XXI, Bộ luật Hình sự có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau:

- Việc xác định “thiệt hại về tài sản” đối với trường hợp người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tài sản của chính họ hoặc tài sản mà họ là người đang quản lý, sử dụng (thông qua việc thuê, mượn) thì thiệt hại này có được xác định để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 1 các Điều 260, 264, 266, 272 và 276 của Bộ luật Hình sự hay không? Một câu hỏi nữa được đặt ra là thiệt hại về tài sản thực tế có được tính bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc tiền thuê cẩu, kéo, trục vớt phương tiện… hay không?

Hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" và "Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" do Bộ Công an tổ chức (Ảnh: Danh Trọng/Tuoitre)
Hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" và "Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" do Bộ Công an tổ chức (Ảnh: Danh Trọng/Tuoitre)

- Việc xác định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2, khoản 3 các Điều 283 và 284 của Bộ luật Hình sự chưa được xác định chi tiết.

- Quy định tại khoản 4 các Điều 260, 267, 272, 273, 278 và khoản 1 Điều 277 chưa xác định thế nào là trường hợp “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả”. Thực tiễn, rất nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông nhưng không phải tất cả các hành vi đó đều “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả” để truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, quy định này cần có điều kiện cụ thể nào, hành vi vi phạm cụ thể nào thì bị xem xét xử lý trách nhiệm.

- Chưa xác định tình tiết định khung hình phạt “không có giấy phép lái xe” đối với trường hợp người vi phạm an toàn giao thông điều khiển phương tiện xe tự chế.

- “Vũ khí” quy định tại điểm b khoản 2 có đồng nhất với “vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự hay cần quy định riêng biệt.

- Việc “Tổ chức cá cược” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 265 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đánh cược thắng thua bằng tiền, hiện vật hoặc các lợi ích khác dựa vào kết quả của cuộc đua xe trái phép. Có quan điểm cho rằng, hành vi này là hành vi cấu thành 2 tội tổ chức đánh bạc (Điều 322) và tội tổ chức đua xe trái phép mới đúng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội.

- Xác định các tình tiết định khung hình phạt “nơi tập trung đông dân cư”, “thủ đoạn nguy hiểm khác”, “người chỉ huy phương tiện giao thông”, “thiết bị an toàn giao thông”…cũng chưa được quy định cụ thể.

Thiếu tính khả thi, chưa phù hợp

Một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về khởi tố vụ án đối với các tội xâm phạm an toàn giao thông còn thiếu tính khả thi, chưa phù hợp thực tiễn. Cụ thể:

- Công tác giám định thiệt hại gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường hợp bị hại từ chối giám định, nhiều trường hợp sau khi xảy ra vi phạm các bên đã làm thay đổi hiện trạng hoặc không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của BLTTHS thì một số cơ quan khác thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Đây là quy định không thể thi hành được trong thực tế thời gian qua, đặc biệt là các vụ án vi phạm về an toàn giao thông. Bởi lẽ, thời hạn điều tra ban đầu 7 ngày là quá ngắn, dẫn tới việc thu thập chứng cứ ban đầu trở thành bài toán khó cho cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, luật quy định nguồn chứng cứ để làm căn cứ khởi tố vụ án phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục của BLTTHS. Do đó các chứng cứ được thu thập, đánh giá bằng thủ tục xử lý vi phạm hành chính không được sử dụng làm căn cứ ban đầu để xử lý trách nhiệm hình sự. (Ví dụ: đã có kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở của người vi phạm, nếu theo xử lý vi phạm hành chính thì đủ căn cứ, nhưng không thể sử dụng để làm căn cứ khởi tố vụ án, vì phải thực hiện giám định theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục).

- Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người điều khiển phương tiện giao thông là người dưới 18 tuổi trong trường hợp giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông chưa thống nhất. Có trường hợp xác định là người làm chứng, có trường hợp xác định là người có liên quan.

Thực tiễn công tác xét xử của ngành Tòa án cũng cho thấy các văn bản pháp luật hiện nay còn thiếu tính tương thích. Ví dụ theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 35 BLTTHS thì cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thể có cán bộ điều tra. Tuy nhiên, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự lại không quy định có cán bộ điều tra tại các cơ quan này.

Sửa luật cần sát với tình hình thực tiễn

Bộ Công an cần rà soát, tổng kết đánh giá tính đồng bộ, tương thích của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và BL TTHS về thẩm quyền, cơ cấu tổ chức của cơ quan công an được giao một số hoạt động điều tra phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước mắt, để tránh kéo dài thời gian phải sửa đổi, bổ sung đồng thời các đạo luật này, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự trong đó cần bổ sung trong cơ cấu, tổ chức của cơ quan công an được giao một số hoạt động điều tra có điều tra viên, cán bộ điều tra.

Thực tiễn hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông đều được đào tạo chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực quản lý từ các học viện của Bộ Công an, khi được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ điều tra sẽ hiệu quả, tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, chi phí hoạt động điều tra tội phạm. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa lợi thế này, Bộ Công an cần xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng điều tra cho các lực lượng Cảnh sát giao thông.

Bộ Công an cần phối hợp Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm an toàn giao thông.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng phải đi đôi với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông theo hướng linh hoạt, chú trọng các phương thức mới./.