Những ngày gần đây, lực lượng thủy quân lục chiến nói riêng và quân đội Hàn Quốc nói chung đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các nhà chức trách và bị chỉ trích mạnh mẽ từ phía người dân sau một loạt các vụ bạo lực mới xảy ra.
Một buổi tập khắc nghiệt của lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc. Ảnh NYT
Quân đoàn Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc là niềm tự hào của quân đội nước này, trong đó hầu hết những thanh niên khỏe mạnh đều phải phục vụ trong quân đội như một nghĩa vụ thiêng liêng.Tuy nhiên, niềm tự hào đó đã giảm sút đáng kể sau một loạt các vụ việc gây chấn động dư luận. Trong tháng 6 vừa qua, một số lính thủy đánh bộ đã xả súng vào một máy bay chở khách đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Seoul vì tưởng nhầm đó là một máy bay của Triều Tiên. Vụ việc không gây ra hậu quả nghiêm trọng khi mà những người lính không bắn trúng chiếc máy bay nhưng đã đặt ra những nghi vấn về công tác huấn luyện và sẵn sàng tác chiến của lực lượng này.
Ngày 4/7, một hạ sĩ thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ – theo như các điều tra viên là do quá tức giận khi bị đồng đội ở chung doanh trại bắt nạt - đã bất ngờ gây ra một vụ thảm sát, giết chết 4 người và làm bị thương một người. Tới ngày 10/7, một lính thủy đánh bộ khác treo cổ tự sát. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy người này có những vết bầm tím trên ngực – có thể là do đã bị đánh đập từ trước. Chỉ 4 ngày sau, một thượng sĩ tiếp theo tự sát, cũng bằng cách treo cổ.
Trong một cuộc họp báo gần đây, Trung tâm Nhân quyền Quân sự Hàn Quốc, dựa trên các cuộc phỏng vấn những binh sĩ đã xuất ngũ, cho biết các binh sĩ được phỏng vấn từng là nạn nhân của những kiểu trừng phạt như bị “chích” bằng đầu thuốc lá đang cháy hoặc bằng thìa nóng, bị bắt ăn côn trùng hoặc bị làm bẽ mặt trước cấp trên...
Còn theo một báo cáo được trình lên các nhà lập pháp sau vụ xả súng hôm 4/7, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến tháng 3/2011, quân đội Hàn Quốc đã ghi nhận 943 trường hợp bị thủng màng nhĩ, nứt xương sườn và vô số chấn thương khác nghi ngờ là do đánh đập trong 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ.
Nhiều binh sĩ kể lại với nỗi khiếp sợ về loại cuốc chim nặng gần 3kg mà các sĩ quan dùng để “dạy bảo” cấp dưới. Một trong những hình phạt bị khiếp sợ nhất – được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm kịch ngày 4/7 - đó là việc bị “tẩy chay. “Đây là hình phạt dành cho những kẻ “chỉ điểm”. Bạn bị xua đuổi và lăng nhục bởi cả những cấp dưới của mình” – Kim Soong-nyong, một lính thủy đánh bộ đã giải ngũ năm 2008 cho biết.
Ngoài ra, trong quân đội Hàn Quốc từ lâu đã tồn tại một cái gọi là hệ thống “ra lệnh và thực thi” – hệ thống đã gây ra thực trạng bạo lực lan tràn được nhiều người thậm chí còn cho rằng đó là nền tảng của cuộc sống trong quân ngũ.
Theo quy định của luật bất thành văn này, những binh sỹ và lính thủy đánh bộ cấp trên được khuyến khích sử dụng những hình phạt khắc nghiệt đối với cấp dưới để trừng phạt việc làm sai và bắt họ phải tuân theo những quy định và truyền thống nhỏ nhất.
Ở một số doanh trại, nhiều người thậm chí còn phải được sự cho phép của cấp trên mới được sử dụng phòng tắm chung. Hệ thống “ra lệnh và thực thi” đặc biệt được áp dụng mạnh mẽ trong lực lượng lính thủy đánh bộ - lực lượng ưu tú chỉ nhận những người tình nguyện tham gia và thường được huấn luyện khá nghiêm khắc.
Những vụ việc nói trên, cùng với hàng loạt các vụ việc tương tự xảy ra trong lực lượng quân đội trong thời gian qua, đã khiến cho quân đội hùng hậu 650.000 lính của Hàn Quốc phải xem xét lại cách huấn luyện của mình. Bởi trong quân đội Hàn Quốc ngày càng có nhiều người thanh niên trẻ không hề có một chút khái niệm nào về chiến tranh và không còn coi khoảng thời gian 21 tháng phục vụ trong quân ngũ là “nghĩa vụ thiêng liêng” giống như cha ông họ mà thậm chí còn xem đây là sự gián đoạn đầy bất tiện đối với đời tư và sự nghiệp của họ.
Nhiều người lính trẻ và lính thủy đánh bộ giờ đây không còn tình nguyện chịu đựng quá trình huấn luyện khắc nghiệt từ lâu đã được áp dụng và thậm chí còn được khuyến khích ở Hàn Quốc, bao gồm cả việc đánh đập đến mức thủng màng nhĩ và cả cắt sâu vào cơ bắp, để tôi luyện cho những người lính chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mới đây cũng phải mở một chiến dịch nhằm thanh trừng các vụ bạo lực trong quân đội. Bộ này tuyên bố sẽ xóa bỏ hệ thống “ra lệnh và thực thi” và tiến hành nhiều biện pháp khác để ngăn chặn tình trạng bạo lực.
Theo thông báo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất các đơn vị lính thủy đánh bộ nhằm chống lại tình trạng bạo lực trong doanh trại, dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 8 cho đến hết năm. Trước đó, Bộ này đã thông báo áp dụng một loạt quy định mới nghiêm cấm những lời nói, hành vi làm ảnh hưởng tới sức khỏe đồng đội, tình trạng bắt nạt nhau hoặc lạm dụng tình dục, cấm binh sĩ ra lệnh hoặc chỉ thị cho đồng đội…
Ngay cả Tổng thống Lee Myung-bak mới đây cũng đã phải lên tiếng cho rằng thời cuộc đã thay đổi và quân đội nước này cần phải tìm ra cách thức mới để duy trì kỷ luật thay vì những cuộc tấn công về thể xác.
Hà Dung (theo NYT)