Đã bất đắc dĩ phải theo đuổi cả hành trình tố tụng dài, mất tiền, mất tình, nhiều người trong số họ sau đó còn phải tra tay vào còng vì tội không chấp hành án với muôn ngàn lý do khác nhau, vừa đáng thương vừa đáng trách.
Bố vào tù vì không có tiền nuôi con
Anh Nguyễn Văn Định (ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) được người dân trong vùng biết đến là một người thợ hồ hiền lành, chăm chỉ, thậm chí có phần nhu mì, nhút nhát. Gia cảnh anh Định khá bần hàn vì dù làm lụng cật lực nhưng nghề phụ hồ như đi câu, được chăng hay chớ. 40 tuổi, anh Định ly hôn người vợ thứ nhất.
Bản án ly hôn ngày đó tuyên buộc anh Định trả lại cho chị H (vợ anh) 3 triệu đồng là giá trị 1/2 ngôi nhà tài sản chung. Tòa giao bé A là con chung cho vợ anh Định nuôi dưỡng, ngược lại anh Định phải có nghĩa vụ góp tiền cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng tương đương 15 kg gạo (thực hiện từ tháng 10/2000 đến khi bé N.H.A. được 18 tuổi).
Một tờ báo đưa tin diễn biến vụ việc như sau: Theo Công an huyện Chợ Gạo, dù đã nhiều lần được động viên, giáo dục và ấn định thời gian để tự nguyện thi hành án nhưng anh Định vẫn cương quyết không thi hành.
Ngày 7/7/2008, cơ quan thi hành án kê biên tài sản của anh Định gồm một xe gắn máy Trung Quốc cũ, một con bò mẹ và con bò con được định giá tổng cộng 14,4 triệu đồng. Tháng 3/2009, Thi hành án huyện Chợ Gạo đến nhà anh Nguyễn Văn Định tiến hành cưỡng chế thì tài sản kê biên đã bị tẩu tán.
Người vợ hiện tại của anh Định và con nhỏ trong căn nhà tồi tàn, vốn là tài sản để lại từ vụ ly hôn trước. Ảnh: Tuổi trẻ |
Ngày 26/7/2011, Chi cục Thi hành án huyện Chợ Gạo có văn bản đề nghị Công an huyện Chợ Gạo khởi tố vụ án đối với Nguyễn Văn Định. Ngày 18/10, Công an huyện Chợ Gạo đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam. Đến ngày 27/10, cơ quan điều tra mới bắt được Nguyễn Văn Định và hiện kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố anh Định về tội không chấp hành án.
Từ ngày anh Định bị bắt, nhà đã nghèo càng trở nên túng quẫn hơn khi người vợ hiện tại của anh không nghề nghiệp, lại nuôi 2 đứa con nhỏ, anh Định là lao động chính trong nhà. Số tiền ước tính anh Định phải thi hành án là hơn 23 triệu đồng, bao gồm hơn 20 triệu đồng tiền cấp dưỡng cho con và 3 triệu đồng là trị giá 1/2 tài sản chung. Với hoàn cảnh của anh Định, số tiền này có nằm mơ cũng không thấy.
Tiếc của, làm liều
Gần 70 tuổi, ở cái tuổi lẽ ra an nhàn với tuổi già thì Hạ Văn H. (ở Mê Linh, Hà Nội) lại vướng vào vòng lao lý vì tội không chấp hành án.
Vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông H với ông Q. (cùng địa chỉ) đã được TAND huyện Mê Linh và TAND tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết. Theo đó, ông H phải trả ông Q. 185 m2 đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên, hết thời hạn tự nguyện THA, ông H. vẫn không chấp hành, Chi cục THADS huyện Mê Linh ra quyết định cưỡng chế giao quyền sử dụng đất và tài sản liền kề, buộc ông H. phải trả đất và tài sản cho ông Q.
Quá trình cưỡng chế, ông H không hợp tác, không ký vào các văn bản cưỡng chế, không tự nguyện mang tài sản của mình ra khỏi khu vực cưỡng chế. Thậm chí, khi cưỡng chế xong, ông H. lại tiếp tục đưa tài sản của mình vào chiếm dụng đất, nhà của ông Q. Cơ quan có trách nhiệm nhiều lần đến vận động, thuyết phục nhưng ông H. không chấp hành với lý do ông không đồng tình với bản án.
Sau nhiều lần như vậy, buộc cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội không chấp hành bản án. Tại phiên tòa sơ thẩm ông H. bị phạt 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm 4 tháng.
Đừng để “cái xảy nảy cái ung”.
Ra tòa, dù là tranh chấp tài sản hay ly hôn thì bản thân những người hầu kiện đã phải chịu mất mát rất nhiều. Ngoài tiền bạc đó còn là sự mất mát tình cảm gia đình, vợ chồng, bạn bè, làng xóm… những thứ không thể tính bằng tiền. Nhưng không dừng ở đó, nhiều người đã trượt xa hơn khi không chịu chấp hành bản án mà Tòa đã tuyên, để rồi phải trả giá.
Xử lý nghiêm các hành vi không chấp hành án để làm gương, tuy nhiên các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự, làm tốt công tác vận động, thuyết phục để người phải THA hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình.
Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. (Điều 304 BLHS- Tội không chấp hành án) |
Huy Hoàng