Mãi mãi nhớ ơn nhà lãnh đạo mẫu mực, người tâm huyết với sự nghiệp báo chí cách mạng!

Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội Báo Xuân.
Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội Báo Xuân.
(PLO) - Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất quan tâm tới công tác tư tưởng - văn hóa nói chung, mặt trận báo chí - xuất bản nói riêng. Báo PLVN trân trọng giới thiệu bài viết của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đăng trên Báo Quân đội nhân dân khi hay tin Nguyên Tổng Bí thư từ trần. 

Trong cuộc đời làm báo của mình, một trong những kỷ niệm sâu sắc đối với tôi - đó là vào 16 giờ chiều ngày 27-12-1996, trên cương vị là Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, tôi cùng với anh Đinh Thế Huynh, Vũ Công Thạo trong Ban Biên tập lên phòng làm việc của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại nhà số 4, đường Nguyễn Cảnh Chân, trình măng sét mới của báo Đảng với ba hàng chữ: “NHÂN DÂN, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam; Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”.

Sau khi ngắm và cân nhắc hồi lâu về hai phương án ma-két, Tổng Bí thư Đỗ Mười cầm bút ký duyệt phương án 1. Vậy là, măng sét đó của Báo Nhân Dân chính thức ra mắt bạn đọc cả nước và bạn bè quốc tế vào ngày 1-1-1997, cho đến hôm nay!

Thật ra để có măng sét mới này, Tổng Bí thư rất cẩn trọng, trước đó đã nhắc tôi phải tham khảo ý kiến đồng chí Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước (vì lúc đó Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi công tác nước ngoài). Thật không may, những ngày đó, đồng chí Nguyễn Thị Bình đang đi khảo sát tình hình các tỉnh phía nam. Tôi yêu cầu anh Nguyễn Kiến Phước, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh tìm mọi cách gặp đồng chí Nguyễn Thị Bình sớm nhất. Đồng chí Phó Chủ tịch nước xem măng sét mới đã đồng ý, Tổng Bí thư hẹn tôi 16 giờ chiều 27-12 trình măng sét lên. Trong quá trình chuẩn bị ra Báo Nhân Dân tám trang (trước đó chỉ bốn trang), Ban Biên tập báo rất xúc động trước sự quan tâm cụ thể, chi tiết của Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Mãi mãi nhớ ơn nhà lãnh đạo mẫu mực, người tâm huyết với sự nghiệp báo chí cách mạng! ảnh 1

Tổng Bí thư Đỗ Mười xem và góp ý cho Báo Nhân Dân.

Khi là Phó Tổng Biên tập, tôi được dự thính các kỳ Hội nghị Trung ương; sau này đảm nhiệm Tổng Biên tập, được tham gia không chỉ các kỳ Hội nghị, mà còn được dự thính nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi càng hiểu sự quan tâm đích thực của Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với công tác tư tưởng - văn hóa nói chung, mặt trận báo chí - xuất bản nói riêng. Đã không ít lần, đồng chí gợi ý với Ban Tư tưởng - Văn hóa: Sự nghiệp đổi mới và hội nhập ngày càng mở rộng, mà tờ báo Đảng chỉ có bốn trang không đủ chuyển tải thông tin đối nội và đối ngoại. Chính từ sự trăn trở ấy, Tổng Bí thư đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa làm việc với Báo Nhân Dân triển khai ý kiến chỉ đạo này. Tôi thật sự xúc động, tại Hội nghị Trung ương II (Khóa VIII), theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng chí Nguyễn Đức Bình thay mặt Bộ Chính trị đã thông báo trước Hội nghị về chủ trương cho phép Báo Nhân Dân từ bốn trang tăng lên tám trang với măng sét mới; cho phép báo ra thêm ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần và Nhân Dân hằng tháng; cho phép báo mở một số cơ quan thường trú ở nước ngoài; yêu cầu Ban Biên tập tích cực chuẩn bị ra báo điện tử tiếng Việt, rồi tiếng Anh. Ký duyệt măng sét mới hôm trước, thì hai ngày sau, Tổng Bí thư nhắc đồng chí Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 11 ngày 29-12-1996 về “Tăng cường đọc, mua báo và tạp chí Đảng”; trong đó nhấn mạnh, mỗi chi bộ Đảng phải có tờ báo Nhân Dân hằng ngày và trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên phải đọc và làm theo báo.

Tháng 12-1996, trên cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, tác giả báo cáo với Tổng Bí thư Đỗ Mười các công việc cuối cùng đưa Báo Nhân Dân từ bốn trang lên tám trang với măng sét mới.

Tôi còn nhớ, chiều 28-12-1996, trong bộn bề công việc, Tổng Bí thư gọi tôi lên báo cáo những công đoạn cuối cùng ra báo tám trang và các việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nghe xong, đồng chí nói, giọng thân tình: Ra báo tám trang là cố gắng lớn, nhưng “nuôi” nó tồn tại lâu dài với phương châm đúng, trúng, hay, hấp dẫn là khó lắm đấy! Ban Biên tập cần có những cuộc họp chuyên đề, đặc biệt lắng nghe các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu, cán bộ tuyên giáo các địa phương, Tổng Biên tập các tờ nhật báo… góp ý kiến. Theo hướng đó, Ban Biên tập đã mở hội nghị cộng tác viên tiêu biểu ở ba miền bắc, trung, nam. Riêng hội nghị tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Bình đã đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Mãi mãi nhớ ơn nhà lãnh đạo mẫu mực, người tâm huyết với sự nghiệp báo chí cách mạng! ảnh 2

Tháng 12-1996, trên cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, tác giả báo cáo với Tổng Bí thư Đỗ Mười các công việc cuối cùng đưa Báo Nhân Dân từ bốn trang lên tám trang với măng sét mới.

Không chỉ quan tâm chỉ đạo định hướng chính trị, Tổng Bí thư còn gợi mở một số đề tài lớn; đồng thời thường xuyên đọc báo và cho nhận xét một số bài cụ thể. Khi các thế lực thù địch chuẩn bị khai trương “Đài châu Á tự do” (RFA), đồng chí Hữu Thọ, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương vào cuối giờ làm việc, đã truyền đạt ý kiến Tổng Bí thư: “Báo Nhân Dân ngay số ngày mai phải có bài bình luận, vạch rõ mưu toan thâm độc dùng phương tiện này để tiến công chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gây phân tâm, ly gián giữa Dân với Đảng”. Anh Hữu Thọ đề nghị tôi trực tiếp viết bài này dưới bút danh khác. Tôi nhớ lại, khi còn làm Trưởng ban Chính trị - Xã hội của báo, tôi được dự cuộc tiếp của Tổng Bí thư Đỗ Mười với Đoàn đại biểu tri thức ở các tỉnh phía nam, trong đó có nhiều người đã bị tù đày trong các nhà tù Mỹ - ngụy. Về thực chất, đó là cuộc gặp mặt thân tình, kéo dài gần ba giờ, nghe tất cả mọi người giãi bày tâm tư, đề xuất nguyện vọng. Kết thúc buổi gặp, đồng chí Hà Nghiệp, Trợ lý Tổng Bí thư nói với tôi: Vì có một số ý kiến gai góc, nên Tổng Bí thư yêu cầu được xem bài tổng thuật trước khi đăng. Tôi rất lo. Sau khi được anh Trần Kiên, Phó Tổng Biên tập thường trực ký duyệt, tôi trực tiếp mang bài đến nhà riêng trình Tổng Bí thư ở phố Phạm Đình Hổ. Ngồi ở phòng khách, lòng tôi như lửa đốt, nghĩ rằng, nếu bị “phá sản” thì phải điện ngay cho Ban Thư ký kịp thay ma-két (vì lúc đó đã gần 22 giờ). Nhưng rất mừng, sau nửa giờ, anh Hà Nghiệp từ phòng làm việc bước ra trao bài cho tôi và nói: “Cụ khen bài viết tốt” (tôi không ngờ, sáng hôm sau, Tổng Biên tập Hữu Thọ cho biết: Đêm qua, Cụ Mười điện cho mình khen bài và hỏi: Hồng Vinh là ai?).

Có được cơ ngơi như hôm nay, tập thể Báo Nhân Dân không bao giờ quên ơn Tổng Bí thư Đỗ Mười. Xin nêu hai câu chuyện tiêu biểu: Khi một nhóm kiến trúc sư của Hà Nội trình bản thiết kế quy hoạch lại khu vực Hồ Gươm, thì có phương án lấy nửa phần đất của báo để nối thông phố Nhà Thờ ra Hồ Gươm với lý do: Để thu hút khách du lịch, cần tận dụng cây đa cổ thụ hơn 300 năm ở giữa Tòa soạn để du khách chiêm ngưỡng. Biết tin, Tổng Bí thư gọi Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm nói rằng, việc làm đó chỉ chú ý một mặt, không nghĩ đến mặt chính trị. Vì đây là một trong những bộ mặt của Đảng ta; tờ báo là cơ quan Trung ương của Đảng cầm quyền. Mặt khác, mở thông con đường này Báo Nhân Dân chỉ còn nửa diện tích, cán bộ, phóng viên làm việc ở đâu? Vậy là từ đó, cây đa vẫn thuộc khuôn viên của báo, vẫn xanh suốt bốn mùa; nơi đón nhiều đoàn khách quốc tế vào thăm chụp ảnh. Và cũng từ đó, nhiều bạn bè khắp năm châu biết trụ sở Báo Nhân Dân.

Mãi mãi nhớ ơn nhà lãnh đạo mẫu mực, người tâm huyết với sự nghiệp báo chí cách mạng! ảnh 3

Tổng Bí thư Đỗ Mười và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch.

Cũng nằm trong chuyện quy hoạch Hồ Gươm, khi Tòa soạn chủ trương xây thêm nhà ba tầng dành cho anh em làm ở ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần và Nhân Dân hằng tháng làm việc, thì một số kiến trúc sư phản đối vì “vi phạm cảnh quan” Hồ Gươm! Qua 28 cuộc họp giữa ngành kiến trúc, xây dựng, văn hóa, bảo tàng… vẫn chưa “hạ hồi phân giải”. Biết chuyện đó, đồng chí Đỗ Mười lúc đó dù đã nghỉ vẫn đến thăm Báo Nhân Dân. Vào một buổi chiều, đồng chí đến mời cả anh Đặng Hữu Hải, Trưởng ban Tài chính - Quản trị Trung ương và một số đồng chí đại diện ngành kiến trúc, xây dựng của Trung ương và Hà Nội cùng tới báo quan sát hiện trường. Tay cầm bản vẽ, chân bước từ điểm mép nhà ra đường Lê Thái Tổ cạnh Hồ Gươm, đồng chí Đỗ Mười cười vui, nói: Cách mép đường hơn 3m, độ cao tòa nhà không vượt ngọn cây, sao bảo là “vi phạm cảnh quan”?! Sau đó, tòa nhà được xây dựng theo bản thiết kế của báo và hiện hữu như hôm nay.

Kính thưa vong linh bác Đỗ Mười! Những người làm Báo Nhân Dân không bao giờ quên những tình cảm thân thương, những việc làm tâm huyết đầy ắp tình người, tình đồng chí của bác đã dành cho sự nghiệp báo Đảng.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt nhà lãnh đạo đã trọn đời vì Nước, vì Dân; người thường xuyên chăm lo sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam!

Cầu chúc bác an giấc ngàn thu!

Hà Nội, ngày 2-10-2018

Phó giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN HỒNG VINH

Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...