Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL)” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến nay đã tiến hành hơn một năm, được giao cho Bộ Tư pháp chủ trì. Theo đánh giá ban đầu, các hoạt động của Đề án đều đang đảm bảo đúng tiến độ nhưng hiệu quả còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
“Bó tay” bởi các quy định liên quan
Tất cả các Bộ, ngành, địa phương trong diện thí điểm đã hoàn thành việc thành lập các Phòng hoặc đơn vị chuyên trách thực hiện công tác theo dõi THPL. đối với các Bộ, ngành, địa phương không nằm trong diện thí điểm, tùy vào đặc điểm tình hình, việc thực hiện nhiệm theo dõi THPL được giao cho các đơn vị cụ thể hoặc thành lập Phòng độc lập thực hiện công tác này.
Bộ Tư pháp cũng đang tiến hành rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về công tác THPL và theo dõi THPL nhằm phát hiện những điểm hạn chế, bất cập, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác theo dõi THPL. |
Còn tại địa phương, Sở Tư pháp TP. Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Nghệ An thành lập Phòng Theo dõi và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Sở Tư pháp Đà Nẵng thành lập Phòng Theo dõi và tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Sở Tư pháp Cần Thơ thành lập Phòng Công tác THPL.
Sự không thống nhất trên bắt nguồn từ hệ thống pháp luật hiện hành. Đối với các Bộ, theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của các Bộ thì chỉ có ba Bộ đầu được phép thành lập Phòng trong Vụ Pháp chế, ba Bộ sau chỉ được phép thành lập tổ chuyên trách tại Vụ Pháp chế.
Ở địa phương, theo Thông tư số 01/2009/TTLT-BTP-BNV của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã, thì các Sở Tư pháp được thành lập không quá 5 phòng nghiệp vụ đối với các tỉnh và không quá 7 phòng nghiệp vụ đối với TP. Hà Nội và TP.HCM. Bởi thế, hầu hết địa phương được lựa chọn thí điểm thành lập ghép với các phòng chuyên môn theo các mô hình khác nhau.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Thành Long nhận xét: “Ở các nơi không thành lập Phòng chuyên trách trong Vụ Pháp chế và Sở Tư pháp hoặc phải thành lập ghép với một đơn vị khác, việc triển khai thực hiện công tác theo dõi THPL cũng như các hoạt động của Đề án gặp nhiều khó khăn và chịu sự chi phối bởi các nhiệm vụ khác, do đó hiệu quả còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra”.
Lúng túng vì… lần đầu tiên
Đề án lựa chọn thí điểm việc theo dõi tình hình THPL đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và các tổ chức tài chính. Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Riêng lĩnh vực các tổ chức tài chính do Bộ Tài chính thực hiện. Có thể nói đây là các lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và được dư luận xã hội quan tâm.
Ngoài Thông tư 03, gần như chưa có văn bản nào quy định về việc biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ. Trong khi đó, có thể coi tài liệu là cuốn cẩm nang nghiệp vụ sử dụng cho tất cả các Bộ, ngành và địa phương nên Bộ Tư pháp cùng các Bộ ngành, địa phương liên quan cũng rất vướng mắc trong triển khai để có thể cho “ra lò” bộ tài liệu có tính chuẩn mực cao. |
Ông Long thừa nhận, vì là lần đầu tiên tiến hành theo dõi, đánh giá tình hình THPL theo các nội dung của Thông tư số 03 nên Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Điều đó khiến cho việc theo dõi, đánh giá tình hình THPL chỉ có thể tập trung vào một số vấn đề vướng mắc, bất cập lớn, không thể tiến hành theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và cụ thể về các lĩnh vực nêu trên.
Khó xác định mức độ tuân thủ pháp luật
Theo Thông tư 03, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, UBND cấp tỉnh có cách thức hướng dẫn, tổ chức thực hiện một cách linh hoạt và phù hợp. Có điều, hầu hết các địa phương chỉ thực hiện việc phổ biến, quán triệt nội dung Thông tư 03 mà không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này.
Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên… chỉ có Công văn của UBND cấp tỉnh dưới dạng đôn đốc thực hiện. Bởi thế, việc triển khai công tác theo dõi THPL của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện chưa được tiến hành kịp thời và chưa có định hướng cụ thể.
Kế thừa Nghị đinh 24/2009/NĐ-CP về trách nhiệm theo dõi, đánh giá việc thi hành VBQPPL, Thông tư 03 yêu cầu phải có nội dung đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, mức độ tuân thủ pháp luật là một nội dung rất chung chung, khó xác định và không có định lượng rõ ràng. Để đánh giá chính xác mức độ tuân thủ hay không tuân thủ VBQPPL cần phải dựa vào các tiêu chí đánh giá – vốn được coi là “sản phẩm đầu ra” quan trọng của Đề án. Vậy mà, đến thời điểm hiện tại, các Bộ ngành vẫn đang “bí” trong việc đưa ra được các tiêu chí. “Vì vậy, việc đánh giá của các Bộ ngành, địa phương về nội dụng này chủ yếu là những nhận định chủ quan, tính thuyết phục không cao”, ông Long cho biết.
Tương tự, đối với nội dung đánh giá về hiệu của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương phần lớn nói về hình thức, số lượng các cơ quan, đối tượng được phổ biến pháp luật, chưa có thông tin đánh giá về hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo yêu cầu của Thông tư 03.
Thục Quyên