Trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh. |
Chưa phát huy tính chủ động và dân chủ
Bộ Nội vụ nhận định: Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã góp phần quan trọng vào việc kiện toàn và củng cố một bước tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của HĐND và UBND các cấp những năm qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế.
Trước hết, cơ cấu, tổ chức và nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND và UBND Luật chưa thể hiện rõ vai trò của mỗi cấp hành chính. Trách nhiệm, thẩm quyền giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã chưa được phân định rõ ràng, ràch mạch. Chưa Luật hoá được chủ trương, quan điểm các Nghị quyết của Đảng về phân cấp mạnh và rõ hơn giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương.
Việc phân định trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể theo Bộ Nội vụ cũng chưa rõ, do đó chưa đề cao được trách nhiệm của tập thể UBND và nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch UBND và các thành viên UBND. Tính tự quản, đại diện của HĐND cấp xã chưa được đề cao trong Luật, do đó chưa phát huy được tính chủ động và dân chủ rộng rãi ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Luật hiện hành quy định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cấp HĐND, UBND gần giống nhau, do đó trong thực tế có tình trạng cùng một vấn đề cả ba cấp HĐND đều bàn bạc và ra Nghị quyết thông qua.
Phân biệt chính quyền nông thôn, đô thị.
Một bất cập đáng kể nữa hiện nay đó là mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của HĐND,UBND được áp dụng cho tất cả các cấp hành chính, không phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của đơn vị hành chính ở đô thị. Nhiệm vụ của UBND theo luật định chưa thể hiện và đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn. Nhiều nhiệm vụ do luật định, HĐND phường (ở các thị xã, thành phố thuộc tỉnh), HĐND quận (ở thành phố trực thuộc trung ương) không có khả năng thực hiện.
Việc phân định trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể chưa rõ; các quy định của Luật hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý để thực hiện luân chuyển cán bộ theo yêu cầu của công việc, cũng như thay đổi chức danh Chủ tịch UBND trong trường hợp cần thiết.
Một trong những trọng tâm của việc sửa đổi Luật tổ chức HĐND và UBND lần này sẽ là đổi mới về mô hình tổ chức, phân biệt chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động. Tiến hành phân cấp mạnh giữa Chính phủ, các bộ ở cấp trung ương và chính quyền cấp tỉnh; đẩy mạnh phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh – cấp huyện – cấp xã).
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội: “HĐND là cơ quan quyền lực hay cơ quan đại diện?” “HĐND có phải là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương hay không, hay chỉ là cơ quan đại diện đến nay vẫn chưa phân biệt. Đây là một câu chuyện được nghiên cứu và trao đổi rất lâu, rất dài hàng nhiều thập kỷ nay trong quá trình xây dựng hoàn thiện Nhà nước. Tôi cho rằng cần phải tập trung vào sửa đổi và giải mã cho được những vấn đề liên quan đến bộ máy Nhà nước trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này”. Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp Hồ Chí Minh: “Nếu coi HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là không ổn về mặt lý luận” Điểm vướng lớn nhất hiện nay là tổ chức chính quyền địa phương, tại sao Đại hội X đã yêu cầu làm rõ chính quyền ở đô thị, nông thôn, hải đảo nhưng chúng ta chưa tổ chức được vì Hiến pháp chưa quy định.Về trọng tâm tôi cho rằng quan điểm là phải làm rõ nâng cao tính tự chủ của chính quyền địa phương và đưa phạm trù chính quyền địa phương trong Hiến pháp, hiện nay luật pháp Việt Nam không có khái niệm chính quyền địa phương mà tổ chức HĐND,UBND các cấp. Như vậy trong phạm trù chính quyền địa phương có chính quyền đô thị và các đặc thù của nó, với tính tự quản. Nếu coi HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là không ổn về mặt lý luận. Một nhà nước đơn nhất chỉ có một quyền lực là quyền lực quốc gia chứ không thể có nhà nước trung ương, nhà nước địa phương. |
Hà Anh