Trong khi Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự có những quy định rất rõ về việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên trong quá trình tố tụng thì pháp luật về THADS (THADS) lại đang “bỏ trống” quy định này…
Làm thủ tục kê biên tài sản THADS. Ảnh minh họa |
Người dân chưa quen nhờ luật sư tham gia THA
Là người được THA với số tiền theo án tuyên hơn 1 tỷ đồng, nhưng vì thường xuyên không có mặt ở Việt Nam nên chị Phạm Bích T. (ở Ba Đình, Hà Nội) quyết định tìm đến luật sư để thay mặt mình làm thủ tục với cơ quan THADS cho đến khi bản án kết thúc.
Theo hướng dẫn, chị T. đã thực hiện việc ủy quyền cho luật sư H.T của Đoàn luật sư Hà Nội. Tuy nhiên, khi Luật sư H.T cùng chị T. đến làm việc với cơ quan THADS với các giấy tờ như giấy giới thiệu, thẻ luật sư, giấy ủy quyền…thì nhận được câu trả lời là sẽ xem xét. Chị T. không biết nhu cầu về ủy quyền của mình có được chấp thuận hay không.
Bản thân Luật sư H.T khi nhận ủy quyền của chị T. cũng cho biết, đây là lần đầu tiên khách hàng nhờ ông “theo” cả quá trình THA đến khi quyền lợi của họ được bảo đảm. Trước đây cũng đã từng có nhiều yêu cầu trong lĩnh vực này nhưng chủ yếu là tư vấn, làm đơn hoặc khiếu nại về thủ tục…Và các yêu cầu này chủ yếu dứt điểm theo từng công đoạn cụ thể.
Theo phân tích của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Hà Nội), quá trình THA, người được THA, người phải THA, người có quyền và nghĩa vụ liên quan về THA có thể nhờ luật sư hoặc uỷ quyền cho luật sư thực hiện những công việc như tư vấn pháp luật, trợ giúp cho việc làm đơn, gửi đơn yêu cầu THA; xác minh điều kiện THA của người phải THA, kiến nghị với cơ quan THA về việc thúc đẩy tiến độ THA; đại diện cho khách hàng làm việc với cơ quan THA và các bên liên quan trong việc giải quyết THA; trợ giúp khi cơ quan THA hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, cưỡng chế, kê biên tài sản, định giá, bán đấu giá tài sản bảo đảm THA …
Tuy nhiên, luật sư Tiền thừa nhận là thực tế hiện nay “không phải tất cả người dân đã nhận thức được vai trò của Luật sư trong THADS. Do đó nhu cầu mời luật sư tham gia hoạt động này cũng chưa nhiều”.
Do luật pháp chưa rõ?
Với Luật THADS hiện hành và các văn bản hướng dẫn thì việc tham gia của luật sư vào hoạt động THADS chưa được đề cập. Nhiều ý kiến cho rằng vì thiếu những quy định cụ thể nên việc tham gia của luật sư cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Còn về phía khách hàng khi có yêu cầu được ủy quyền “trọn gói” như chị Bích T. nói trên thì tỏ ra rất băn khoăn: thuê luật sư giúp đỡ trong THADS cũng là yêu cầu chính đáng, hợp pháp. Mặt khác, luật sư được tham gia từ những giai đoạn đầu của quá trình tố tụng trong vụ án dân sự, hình sự…thì tại sao khâu cuối cùng là THA lại bị “nghẽn”.
Tuy nhiên, theo giải thích của một chấp hành viên THADS Hà Nội thì để chấp nhận luật sư tham gia THA hay không thì phải căn cứ vào từng yêu cầu, vụ việc cụ thể..Việc đương sự nhờ luật sư tư vấn, làm đơn hay khiếu nại cơ quan THA là việc dân sự của hai bên với nhau, nhưng khi luật sư thay mặt khách hàng đến làm việc với cơ quan THADS thì phải tuân theo một quy trình cụ thể. Nhưng pháp luật về THADS còn chưa có những quy định về vấn đề này nên nhiều khi rất khó khăn cho cả cơ quan THA lẫn các bên đương sự.
Vấn đề này, theo Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp: Luật THADS chưa đề cập đến việc tham gia của luật sư vào quá trình THA do đó trên thực tế có trường hợp luật sư xuất trình giấy giới thiệu, giấy ủy quyền và đề nghị được tiếp cận hồ sơ THA nhưng cơ quan THADS chưa có căn cứ pháp luật để từ chối hay chấp nhận đề nghị này.
Trong khi đó, cũng theo Viện Khoa học pháp lý thì Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự có những quy định rất rõ về vai trò, sự tham gia, mức độ tham gia của luật sư trong hoạt động tố tụng. Vì vậy, Viện Khoa học pháp lý đang đề nghị Luật THADS cần có quy định rõ ràng về vấn đề này để làm căn cứ thực hiện.
Bình An