Hình minh họa |
Thực trạng đáng báo động
Hành vi mại dâm đồng tính, trong đó có đồng tính nam, đã được phát hiện ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM; cũng đã có một vài trường hợp bị phạt hành chính, sau đó họ lại tiếp tục hành nghề nhưng pháp luật đành “bó tay” do chưa có quy định về xử lý mại dâm đồng giới.
Không hoạt động công khai, nhưng chỉ cần nhắc đến “chợ tình pê-đê” là nhiều người đều biết. Ở Hà Nội có chợ tình vườn ổi (còn gọi là cánh đồng Bông, gần Bến xe Mỹ Đình), TP.HCM có chợ tình Thảo Cầm Viên (đoạn tới đường Nguyễn Hữu Chánh) là nơi hẹn hò, tụ tập chủ yếu của những người đồng tính.
Theo "dân chơi" thì "lợi nhuận" một lần "đi khách" của trai bao (mại dâm nam) còn cao gấp nhiều lần so với nữ. Đây là nguyên nhân khiến hoạt động mại dâm đồng tính nam diễn ra ngày càng nhiều, ẩn danh dưới hình thức các câu lạc bộ, điểm tập thể hình, massage, hớt tóc máy lạnh, spa… Mới đây, cơ sở xông hơi massage Nụ Cười Vàng (ở phường 12, quận 10, TP.HCM) đã bị xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng vì để hành vi kích dục xảy ra trong cơ sở.
Đã xảy ra nhiều vụ trọng án xuất phát từ mối quan hệ đồng tính nam; kẻ phạm tội chủ yếu là trai trẻ, lợi dụng tình cảm của những người đồng tính độc thân, giàu có để thực hiện hành vi phạm tội. Có thể điểm mặt nhiều vụ “Giết người”, “Cướp tài sản” đã được xét xử tại Hà Nội và TP.HCM mà kẻ thủ ác phải nhận sự trừng trị cao nhất của pháp luật như “mỹ nam” Cổ Minh (tức A Thiếu, 19 tuổi, ở quận 11, TP.HCM) bị tuyên án tử hình về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, nạn nhân là ông Trần - người tình đồng tính với bị cáo.
Bị cáo Trần Thế Long (23 tuổi, quê Nam Định) phải lãnh án tử hình về hành vi sát hại anh Đỗ Văn Tân, cướp tài sản. Bị cáo Lưu Công Hoàng (20 tuổi, quê Hòa Bình) lãnh án tử hình do sát hại người tình đồng tính cướp tiền. Bị cáo Đàm Văn Tuyên (23 tuổi, quê Bắc Giang) cũng phải lãnh án tử hình vì sát hại ông người tình già độc thân để chiếm đoạt tài sản…
Quá trình điều tra các vụ trọng án trên và diễn biến tại phiên tòa đã thể hiện rõ hành vi mại dâm nam giữa bị cáo và nạn nhân. Tuy nhiên, do hành vi này hiện không có quy định trong pháp luật nên không bị đề cập xử lý.
Phải sửa luật
Theo định nghĩa của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003: “Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Bán dâm là hành vi giao cấu với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”. Quy định này đã quá lạc hậu nếu đem so sánh với tình hình tệ nạn mại dâm trong xã hội hiện đại đang có những biến tướng phức tạp. Bởi giao cấu được hiểu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ, còn quan hệ mại dâm đồng giới thì không thuộc phạm vi điều chỉnh nên không bị xử lý.
Theo Luật sư Nguyễn Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc khắc phục vấn đề này không khó, nhà làm luật chỉ cần thay đổi định nghĩa về mua bán dâm theo nghĩa rộng hơn, là việc thỏa thuận trao đổi tiền hoặc lợi ích vật chất khác để quan hệ tình dục. Cũng theo Luật sư Hằng Nga, tệ nạn mại dâm đồng tính nam diễn ra ngày càng phức tạp và nguy hiểm nhưng chính vì “vướng” ở quy định pháp luật nên đến thời điểm hiện tại chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự. Khó là ở chỗ, nếu sửa đổi, bổ sung quy định trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm để xử lý mại dâm đồng tính sẽ kéo theo ảnh hưởng, sẽ phải điều chỉnh đến cả các quy định trong Bộ luật Hình sự về một số tội danh liên quan đến việc tổ chức, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, tội hiếp dâm, giao cấu với trẻ em.
Hậu quả nguy hại của tệ nạn mại dâm đồng tính, trong đó có đồng tính nam, làm băng hoại đạo đức và các giá trị truyền thống, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại thiếu chế tài xử lý là bất cập lớn. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cần có cái nhìn mới trong việc xác định hậu quả của mại dâm nam và việc áp dụng các quy định pháp luật điều chỉnh. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần xem xét, bổ sung quy định trong pháp lệnh và rà soát lại các quy định liên quan trong luật hình sự một cách thống nhất, đồng bộ để có thể xử lý được tệ nạn mại dâm nam đang ngày càng gia tăng, gây nhức nhối trong xã hội.
Trần Nguyên