Lũ Chương Mỹ “tràn” vào cuộc họp Chính phủ
Nhiều người nhắc lại lá thư cưu Thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý đề án mở rộng Hà Nội hơn 10 năm trước khiến người ta giật mình nhớ lại dường như từ ngày mở rộng Hà Nội ngày càng ngập nhiều hơn, sâu hơn và rộng hơn.
Chương Mỹ và một số vùng của Hà Nội bị ngập sâu hai tuần qua đã trở thành vấn đề, sự kiện nóng bỏng không chỉ trong dư luận đời sống mà trở thành sự kiện chủ lưu ở phiên họp Chính phủ.
Sau gần hai tuần bị ngập lũ vật vã, sáng 1/8, ngày thứ hai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội do Thủ tướng chủ trì công tác chống lũ đã trở thành sự kiện chính yếu.
Báo cáo về tình hình ngập lụt do mưa lũ tại khu vực huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nước đã có dấu hiệu rút. Các cơ quan chức năng của thành phố vẫn đang kiểm soát được tình hình tại đây. Thành phố Hà Nội đã tổ chức gia cường và triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng ngập lụt, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của bà con nhân dân trong khu vực.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố Hà Nội cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vùng bị ngập, lụt. Đặc biệt, thành phố cần chú ý làm tốt hơn nữa việc xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bị úng ngập để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Cán bộ vẫn lạc quan với thành tích chống lũ
Ngày 31/7, trao đổi về thông tin liên quan đến công tác ứng phó với sự cố tràn đê Tả Bùi (Chương Mỹ) và cả dọc tuyến sông, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, không có chuyện người dân thiếu nước uống, bị đói. Ông Phong cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tuyên truyền đúng sự nỗ lực của địa phương, động viên lực lượng tham gia ứng phó không quản ngày đêm, trong đó nhân dân đã rất chủ động, trách nhiệm tham gia vào chống úng, ngập, gia cố tràn đê Tả Bùi.
Cũng theo ông Phong, việc ngày hôm nay vẫn đưa thông tin, hình ảnh những ngày đầu ngập úng tại khu vực Chương Mỹ mà không cập nhập thường xuyên là chưa chính xác. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng phải đảm bảo an toàn đê chính là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thời gian mưa lũ vừa qua có rất nhiều thông tin từ cơ quan truyền thông góp phần tích cực trong việc phòng chống hiệu quả. Bên cạnh đó còn nhiều thông tin chưa chuẩn xác, phiến diện, không đúng diễn biến tình hình hoặc sai sót dẫn tới ảnh hưởng công tác chỉ đạo điều hành của thành phố; làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, cũng như sự phân tâm đối với lực lượng tham gia giải quyết hậu quả của thiên tai.
Những ngày qua lượng mưa lớn, mực nước dâng cao, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, của nhân dân địa phương đã giữ được đê Tả Bùi an toàn.
Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, để có được những kết quả đó thì có rất nhiều yếu tố như: Thứ nhất, với phương châm “4 tại chỗ”, huyện và các xã có đê đã xây dựng được kế hoạch chi tiết, cụ thể, sẵn sàng ứng phó kịp thời với tình huống nước vượt báo động 3 sông Bùi. Thứ hai, phát huy được trách nhiệm, sự chủ động của người dân trong việc ứng phó với tràn đê. Thứ ba, phối hợp hiệu quả các lực lượng quân đội, công an cùng tham gia hỗ trợ. Thứ tư, với sự vào cuộc đồng bộ, một mặt đã đảm bảo an toàn đê Tả Bùi, mặt khác vẫn đảm cuộc sống sinh hoạt cho nhân dân. Huyện đã hỗ trợ, cung cấp các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt như: Nước uống, lương thực, mì tôm, lương khô…
Có mưa bất ngờ, mưa lịch sử?
Trong khi cán bộ Hà Nội lạc quan về thành tích chống lũ, cứu trợ thì dư luận báo chí phản ảnh không chỉ Chương Mỹ mà huyện Quốc Oai cũng thành rốn lũ. Có nơi, huyện phải bố trí ca nô đưa dân đi lại. Chiều 31/7 ngay trong nội thành Hà Nội tê liệt vì ùn tắc và ngập sau mưa lớn cuối ngày, cơn mưa bất ngờ khiến giao thông tại nhiều trục đường lớn như: Nguyễn Trãi, Trần Phú, Chiến Thắng, Tây Sơn - Chùa Bộc,... tê liệt trong nhiều giờ. Không ít tuyến đường nước ngập sâu, các hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân gần như bị gián đoạn.
Tuy vậy, trong ngôn ngữ, cách thể hiện của báo chí vẫn phảng phất giọng điệu, ý tứ, ngôn từ chừng như ngập, mưa lũ là sự bất thường, mang tính khách quan, ví dụ như “mưa bất ngờ”, “mưa cuối ngày” “mưa lịch sử”…
Ai cũng biết từ bài học vỡ lòng, nước ta nằm trong vùng khí hậu châu Á gió mùa, một năm có hai mùa mưa nắng. Vào mùa mưa thì trời mưa là chuyện bình thường sao lại bất ngờ. Mưa buổi sáng buổi chiều thì cũng như nhau. Một trận mưa bình một hai tiếng bình thường năm nào cũng có thì đâu phải là lịch sử.
Ngôn từ diễn đạt như vậy làm sai lệch bản chất của thực trạng đô thị hiện nay nói chung và Hà Nội nói riêng, có mưa là có ngập. Thực trạng này phản ánh một nguyên nhân chủ quan chính yếu của tình trạng ngập lụt ở đô thị mà các nhà quản lý thường né tránh bằng luận điểm ngập lụt bởi trời mưa.
Nhiều nhà báo đã đăng lại trên facebook của mình ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý cho đề án mở rộng Hà Nội hơn 10 năm trước, đề nghị chậm thông qua đề án này và nghiên cứu thật sâu kỹ những vấn đề khoa học về quản lý, quy hoạch đô thị cho phù hợp. Rất tiếc là ý kiến này đã không được xem xét và Hà Nội được mở rộng, được đô thị hóa với tốc độ chóng mặt. Gắn liền với tốc độ xây dựng nóng vội ấy là tình trạng ngập hàng năm đã tăng lên song hành về độ sâu và độ rộng mặc cho các biện pháp chữa cháy tốn tiền ngàn tỉ đào kênh đắp đê để bơm nước.
Tự sự của người Hà Nội!
Trên facebook của Mai Đình Khôi, đạo diễn phim tài liệu đã viết rất chân thành như sau: Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ven đô, làng Canh, Từ Liêm, Hà Nội. Địa giới hành chính được mở rộng từ tháng 8/2008 thì tới tháng 10, một trận mưa lớn xác lập việc mở rộng địa giới vùng lụt của Thủ đô.
Ở làng tôi khi ấy, nước ngập đến thềm nhà. Sau khoảng ba tiếng, nước rút ra những cánh đồng và ao chuôm. Chúng tôi rủ nhau đi bắt cá trên những cánh đồng trắng xóa ấy. Đó cũng là lần cuối tôi bước chân ra ruộng làng mình.
Hai năm sau đó, lác đác xuất hiện các dự án bất động sản giữa những cánh đồng làng, chia cắt kênh mương. Nhà cửa hai bên đường cũng khang trang hơn, nhiều gia đình đã bán vườn để xây dựng cơ ngơi trên phần đất ít ỏi còn lại. Những ngôi làng ven đô giờ đây giống hệt nhau ở vẻ bề ngoài: Nhà ống cao tầng, mái tôn thay mái ngói, những khu chung cư giữa cánh đồng, những mảnh ruộng quây kín và người nông dân không còn trồng cấy.
Cánh đồng làng giờ đây cỏ phủ ngút dày khi mà hệ thống mương máng thủy lợi đã không còn được duy trì. Cả ruộng cao lẫn ruộng thấp đều không còn nước để gieo xuống đó những hạt giống, chúng chỉ chờ đến ngày được đền bù, giải tỏa. Ao làng bị lấp, nhanh chóng biến thành khu chợ tạm và bãi đổ phế liệu.
Kể từ đó, làng tôi năm nào cũng có đôi, ba ngày lụt nặng. Nước tràn qua sân, mấp mé bậc thềm nhà, dẫu cho những ngôi nhà về sau đều được xây cao hơn trước.
Dân cũng đã được rèn luyện trong suốt gần chục năm nên đủ để trở thành người có kinh nghiệm sống với lũ. Người thì đi lại trên những chiếc bè tự chế. Ông chủ chuôm cá, nơi giờ là đất nền dự án, một năm đôi lần vẫn hạ chiếc thuyền xuống để dùng vào những ngày lụt. Con thuyền anh nhẹ nhàng lướt trên những “con phố”, giữa những ngôi biệt thự và chung cư dang dở.
Tuần này tôi cùng đồng nghiệp đi quay phim ngập lụt ở xã Cấn Hữu - Quốc Oai và những xã ngập sâu của Chương Mỹ, ký ức về ao đầm xưa cũ trong tôi sống dậy. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra câu chuyện đã khác hoàn toàn, nó nghiêm trọng hơn.
Tôi ghi hình những dòng nước bẩn, phế thải hoà lẫn cùng nước lụt; những khuôn mặt mệt mỏi của người dân cả một tuần trời dầm trong nước và có thể còn lâu hơn, như thể họ chấp nhận hy sinh để cứu lũ cho toàn thành phố. Tôi ghi hình cả nơi không được trù tính để hy sinh, những ngôi làng ngoài đê, trong đê và cả ở những ngôi làng không có con đê nào nhưng đã biến mất ao chuôm, đồng ruộng. Chúng đều ngập.