Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến năm 2017, số lượng tàu cá Việt Nam là hơn 109.000 tàu. Mục tiêu nhằm hoàn thiện các hệ thống thông tin quản lý nghề cá một cách hiện đại, quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản mang tính hiệu quả cao và bảo đảm an toàn trên các vùng biển, từ năm 2011, Bộ NN&PTNT đã triển khai Hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar với tổng mức đầu tư hơn 14 triệu Euro, lấy từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, hiện 3.000 thiết bị Movimar được lắp đặt cho 3.000 tàu khai thác xa bờ > 90 CV, trên phạm vi 28 tỉnh ven biển, là công nghệ hiện đại nhất thế giới về giám sát tàu cá và hải dương. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có 2 quốc gia là Việt Nam và Indonesia đang sở hữu công nghệ Movimar.
Khi trang bị, thiết bị nhận tín hiệu GPS sẽ định vị 24/24 giờ, mỗi tàu có ăng-ten thu phát và mã số. Hệ thống giám sát trên bờ sẽ thu được hình ảnh hiển thị của tàu đang di chuyển trên biển. Vì vậy, cơ quan quản lý có thể biết chính xác vị trí của tàu đánh cá thông qua ảnh chụp từ vệ tinh. Thiết bị này còn giúp ngư dân có thể nắm bắt được các thông tin vô cùng cần thiết cho mỗi chuyến ra khơi; đồng thời xác định chính xác ngư trường có nhiều thủy, hải sản, tin dự báo thời tiết biển, nhờ đó có thể định hướng cho tàu, thuyền trở về bờ hoặc vào nơi tránh bão an toàn gần nhất. Bên cạnh đó, hệ thống cho phép phát hiện tràn dầu, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Ngoài hệ thống Movimar còn 2 hệ thống giám sát hành trình tàu cá khác là hệ thống VX-1700 đã lắp đặt trên 10.664 tàu đánh bắt xa bờ; 25.000 tàu đánh bắt ven bờ lắp đặt máy liên lạc sóng HF (chủ yếu là máy Icom) và 7.000 tàu đánh bắt gần bờ lắp đặt máy thu trực canh (chỉ thu nhận). Theo đó, các tổ, đội khai thác và số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ trên cả nước cơ bản được trang bị hệ thống giám sát hành trình đánh bắt. Đây là điều kiện và là cơ sở hết sức quan trọng, là căn cứ thuyết phục giúp EU có những đánh giá tích cực đối với hoạt động triển khai chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) của Việt Nam.
Tuy nhiên, dù nhiều tính năng như thế nhưng thực tế một số tàu cá được gắn thiết bị này, ngư dân không sử dụng đến, để mất mát, hoặc hư hỏng không có nơi tu sửa. Nguyên nhân mà ngư dân cho rằng không sử dụng được bởi quy trình thao tác của máy Movimar khi sử dụng rất phức tạp, trong khi thiết bị Icom dễ sử dụng hơn… Thiết bị kết nối vệ tinh Movimar chỉ dự báo chính xác ngư trường, nhưng bản tin nhận được rất chậm, thông tin mức gió bão cũng không chính xác. Ngoài ra, việc thông tin liên lạc với đất liền và giữa các tàu cá gặp nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến cho ngư dân vẫn ưa chuộng sử dụng Icom và VX-1.700 hơn do các loại máy này có thể điện đàm trực tiếp về đất liền, rất thuận tiện. Thêm vào đó, hệ thống này rất tốn điện, chỉ trong 3 ngày, hệ thống sử dụng hết 1 bình ắc quy 12V, trong khi ngư dân đánh bắt xa bờ vài tháng mới về đất liền một lần.
Theo cơ quan chức năng, không loại trừ việc ngư dân không mặn mà sử dụng máy Movimar là do khi mở máy, vị trí tàu cá trên biển dễ dàng được định vị và gửi dữ liệu về cơ quan quản lý. Đây là điều một số ngư dân e ngại.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thiết bị được lắp đặt cho khoảng 950 tàu đánh bắt xa bờ ở 7 tỉnh (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh). Từ năm 2013-2015, 270 tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được hỗ trợ lắp đặt miễn phí máy Movimar, trị giá 135 triệu đồng/máy. Theo phản ánh của ngư dân, tháng 10/2017, Tổng cục Thủy sản đã cử cán bộ vào phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm tra, khảo sát trên 270 tàu cá được lắp đặt. Kết quả cho thấy, có 27 máy đã mất (tàu chìm, mất cắp…), 16 thiết bị hư hỏng hoàn toàn không thể sử dụng, 11 thiết bị hư hỏng có thể sửa chữa được, sẽ được trả lại cho Tổng cục Thủy sản hoặc chuyển giao cho Đài thông tin Duyên hải Vũng Tàu sửa chữa. Số còn lại vẫn hoạt động bình thường, tín hiệu tốt. Chi cục Thủy sản tỉnh đã cho ngư dân ký cam kết bật máy Movimar khi đánh bắt xa bờ.
Dự án Movimar đã kết thúc giai đoạn I, 2018 là năm chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo, tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là vấn đề kinh phí triển khai. Nếu như trong giai đoạn từ năm 2017 trở về trước, tổng nguồn kinh phí để duy trì cho 3.000 thiết bị đầu cuối cùng hệ thống trạm giám sát bờ của hệ thống này lên tới trên 100 tỷ đồng (trung bình gần 40 tỷ đồng/năm) và hoàn toàn được lấy từ nguồn kinh phí nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh yêu cầu lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá ngày càng phải tăng lên, kinh phí duy trì hoạt động sẽ rất khó khăn.