Libya đang đứng bên bờ vực nội chiến, trung tâm Manama bị phe đối lập chiếm giữ, các cuộc biểu tình lớn tại Maroc và Iran. Những sự kiện này cho thấy làn sóng chống đối chính quyền vốn xuất hiện ở Tunisia, sau đó đến Ai Cập, nay đã bắt đầu lan rộng tới Bắc Phi và Trung Đông.
Nhiều tòa nhà công bị đốt cháy
Sáng qua, con trai của nhà lãnh đạo Libya Muammar Kadhafi, Seif al-Islam, 42 tuổi, khẳng định trên kênh truyền hình Al Jazeera rằng Libya đang đứng bên bờ vực của cuộc nội chiến. Quân đội ủng hộ ông Kadhafi và sẽ đóng vai trò chủ yếu để đảm bảo an ninh, sự thống nhất và ổn định của Libya.
“Chúng tôi sẽ không nhường bất kỳ một tấc đất nào thuộc lãnh thổ Libya”, ông Seif al-Islam Kadhafi dằn từng tiếng. Ông cũng đã khẳng định rằng nhân dân Libya cần phải lựa chọn hoặc xây dựng một đất nước “Libya mới” hoặc kéo dài cuộc “nội chiến”.
Seif al-Islam cũng cho biết cha ông – nhà lãnh đạo Libya Muammar Kadhafi – còn đang ở Libya và không phải cùng một “khuôn” với ông Zine El Abinine Ben Ali hay Hosni Mubarak, những người mới đây buộc phải từ chức sau một phong trào phản đối của quần chúng nhân dân.
Ông Seif al-Islam Kadhafi cáo buộc các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài bôi nhọ thông tin. Các kênh truyền hình Al-Alabia và Al-Jazeera sáng qua đưa tin, nhà lãnh đạo Libya Muammar Kadhafi sẽ tị nạn tại Brazil hoặc Venezuela và rằng con trai ông, Seif al-Islam, có thể sẽ kế nhiệm trở thành người đứng đầu đất nước Libya. Tuy nhiên, thông tin này chưa được các nguồn tin chính thức Libya xác nhận.
Đài truyền hình Al-Arabia cũng đưa tin về tình trạng bỏ hàng ngũ của các binh lính ở thành phố Benghazi thuộc phía Đông đất nước Libya. Nếu tình hình nằm ngoài vòng kiểm soát, “mức độ bạo lực nghiêm trọng hơn so với mức độ bạo lực ở Iraq có thể xảy ra”, ông Seif al-Islam nói. Tối 20/2, người biểu tình tại Tripoli đã cướp phá tại trụ sở một đài truyền hình và phát thanh quốc gia, đốt cháy nhiều trụ sở cơ quan nhà nước.
Libya là mục tiêu tấn công của một số phần tử nước ngoài có mặt tại nước này, con trai của Tổng thống Libya cảnh báo, đồng thời nói rõ một số nhóm Hồi giáo đứng đằng sau các cuộc biểu tình và bạo loạn, rằng họ muốn lập nên một “thủ lĩnh Hồi giáo”. “Chúng tôi sẽ loại bỏ các nhân tố phản loạn”, ông tuyên bố và hứa sẽ “thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp”.
Ngoài ra, Seif al-Islam cũng cho biết, 84 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực kể từ tuần trước tại Libya, còn con số đăng tải trên “các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài” đã được “phóng đại quá đáng”. Hôm thứ 4 tuần trước, nhiều người đã xuống đường biểu tình ở Libya để đòi ông Muammar Kadhafi phải từ chức sau 41 năm cầm quyền.
Vùng Vịnh rúng động
Không chỉ phong trào chống đối lan tới Bắc Phi, tại vùng Vịnh, vương quốc nhỏ Bahrein cũng bị rúng động bởi nhiều cuộc biểu tình đòi tự do hóa hệ thống chính trị. Hàng trăm người phản đối đã ngủ qua đêm ngay tại quảng trường Perle thuộc trung tâm Manama mà họ chiếm được sau khi quân đội và cảnh sát rút đi.
Trong khi đó, ở Tehran, lực lượng an ninh cũng được triển khai, những người ủng hộ phe đối lập muốn tập trung tại nhiều điểm khác nhau trong ngày thứ 9 sau cái chết của hai thanh niên trong cuộc biểu tình hôm 14/2. Theo hãng tin Fars, Faezeh Hachemi – con gái của cựu Tổng thống Akbar Hachemi Rafsandjani – đã bị bắt chiều 20/2 khi cô này tung ra những khẩu hiệu kích động người dân biểu tình, sau đó được thả ra.
Tại Maroc, nhiều nghìn người cũng đã biểu tình ở Casablanca và Rabat để đòi các cuộc cải cách chính trị và hạn chế quyền của quốc vương. Những người biểu tình ở Casablanca đòi “Tự do, Nhân phẩm, Công lý”. Ngoài ra, nhiều sự cố đã xảy ra trong cuộc biểu tình tại Marrakech và Larache, nơi nhiều người nước ngoài tham gia biểu tình đã cướp phá các cửa hàng và tấn công nhiều trụ sở cơ quan nhà nước.
Ở Yemen, sáng qua, một người biểu tình chống chính phủ đã bị trúng đạn của lực lượng an ninh ở Aden, thuộc miền Nam Yemen, khi hàng nghìn người tập trung trước cổng một trường đại học. Tuy nhiên, Tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh, người nắm quyền từ 32 năm nay, đã tuyên bố rằng ông sẽ chỉ ra đi qua con đường bỏ phiếu.
Trước tình hình căng thẳng ở Bắc Phi và Trung Đông, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon hôm 20/2 đã kêu gọi “không sử dụng vũ lực và tôn trọng quyền tự do cơ bản” tại các nước thuộc hai khu vực đang hứng chịu phong trào nhân dân lớn chưa từng thấy này.
Phúc Lợi (theo AFP, THX)