Hôm qua (21/11), với trên 95% phiếu thuận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Điểm đáng chú ý trong Nghị quyết mới này là Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao.
Các Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết |
Chỉ lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cho biết: Qua thảo luận tại Tổ và tại Hội trường, nhiều ĐBQH đề nghị thu gọn phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của HĐND. Do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Kết quả tổng hợp phiếu cho thấy, chỉ có 46/379 ĐBQH tán thành lấy phiếu tín nhiệm với phạm vi đối tượng và chủ thể tiến hành như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết trước đó (tức 380 người –PV). Có 332/379 vị đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cao cấp, đó là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước.
HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, uỷ viên thường trực HĐND, Trưởng các Ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của UBND.
Nghị quyết đã tiếp thu nội dung này theo ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể ngay phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND
Về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.
Quá 50% đánh giá “tín nhiệm thấp”: Có thể xin từ chức
Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội theo Nghị quyết, người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung quy định tại Nghị quyết này trong năm trước đó. Báo cáo được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội;
Chậm nhất là 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà đại biểu đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND cũng được quy định rõ trong Nghị quyết.
Cũng theo Nghị quyết, người có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Về các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, Nghị quyết quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp: Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị; Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số ĐBQH;Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp”; Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” 2 năm liên tiếp.
Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và Hệ quả đối với người không được HĐND tín nhiệm cũng được quy định trong Nghị quyết.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/2/2013.
Hôm qua thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, nhiều ĐBQH đề nghị trong công tác này, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, đồng thời dự luật cũng cần bổ sung các quy định về phòng chống thiên tai cho phù hợp với đặc thù các tỉnh miền núi khó khăn, địa bàn chia cắt. ĐBQH cũng đề nghị cần quy định thêm các hành vi bị nghiêm cấm, đặc biệt nghiêm cấm việc cứu trợ không kịp thời, không đúng đối tượng để ngăn chặn tình trạng trục lợi bất chính từ chủ trương nhân đạo của Nhà nước. |
Hà Anh