Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận. Có ý kiến đề nghị không nên quy định cơ chế đặc biệt hoặc chỉ nên quy định một Ủy ban lâm thời để xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Theo chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba thì thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thời gian qua cho thấy, có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, nhưng không có cơ chế để giải quyết lại, đương sự rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài.
Điều 127 Hiến pháp quy định, trong tình hình đặc biệt thì Quốc hội có thể thành lập Tòa án đặc biệt; Điều 22 Luật tổ chức TAND quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm nên không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Vì vậy, theo bà Ba, việc quy định một Ủy ban lâm thời để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành mà cần phải quy định một cơ chế đặc biệt để sửa chữa sai lầm
Quy định rõ chủ thể có quyền yêu cầu
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC được xem xét lại quyết định của mình khi có sai lầm nghiêm trọng và quy định rõ các chủ thể có quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC. Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, ra quyết định về việc giải quyết vụ án; quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành.
Có thể quyết ngay nếu vụ việc rõ ràng
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong quá trình xem xét lại quyết định của mình, nếu dự thảo luật chỉ quy định Hội đồng thẩm phán TANDTC có quyền giao vụ việc cho tòa án cấp có thẩm quyền xét xử lại thì thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài, phải qua nhiều vòng tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Mặt khác, nếu dự thảo luật chỉ quy định Hội đồng thẩm phán TANDTC quyết định ngay những nội dung của vụ việc mà không có quyền giao cho tòa án có thẩm quyền xét xử lại thì có những vụ án Hội đồng thẩm phán TANDTC gặp khó khăn trong việc quyết định.
Để bảo đảm tính chủ động của Hội đồng thẩm phán TANDTC, phù hợp với tính chất đặc thù của các vụ án dân sự, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng trong quá trình xem xét lại quyết định của mình, Hội đồng thẩm phán TANDTC có thể quyết định ngay về nội dung của vụ việc đã được xác minh, thu thập chứng cứ đầy đủ, rõ ràng hoặc giao cho TAND cấp có thẩm quyền xét xử lại vụ việc theo thủ tục chung hoặc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật. Như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính linh hoạt và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Cũng theo dự thảo sửa đổi BLTTDS, tòa án chỉ hoãn phiên toà khi triệu tập hợp lệ lần thứ nhất đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt. Khi toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà một trong những người tham gia tố tụng vẫn vắng mặt không do sự kiện bất khả kháng thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, toà án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt họ hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu độc lập của người vắng mặt.
Huy Hoàng