Người ta mệnh danh ông là “đại lực điền trên cánh đồng văn hóa”; “một nhịp cầu nối liền hai nền văn hóa Việt - Đức”, “chuyên gia văn học Đức”, “nhà Bác Hồ học”, “nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật dồi dào năng lực”…
Trần Đương được biết những cụm từ ấy, song ông không hề ngộ nhận, không say sưa với những gì đã làm. Ông chỉ giới thiệu mình đơn giản là: nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Đức, dịch giả văn học. Và có lúc ghi thêm: nhà thơ.
Nhà văn, nhà thơ, dịch giả Trần Đương. |
Có lần ông rụt rè hỏi: mình có phải là nhà thơ không nhỉ ? Bởi vì, ông yêu thơ, thích làm thơ, nhưng tự biết không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, chưa toàn tâm toàn ý sống cho thơ. Mặc dù vậy, với gần 1000 bài thơ đã sáng tác trong ngót 65 năm qua, được tuyển lại thành tập THƠ TRẦN ĐƯƠNG do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, dày trên 600 trang khổ 16 × 24cm, đóng bìa cứng, in hai màu, ông xứng đáng với danh hiệu một nhà thơ. Riêng tôi, cũng như một số anh em khác, vui vẻ gọi Trần Đương là “Lưỡng quốc thi nhân”, bởi vì ông là một trong số rất hiếm hoi các nhà thơ sáng tác bằng hai ngôn ngữ.
Ngay từ thuở thiếu thời, có điều kiện sống và học tập ở Đức, ông đã say mê đọc thơ của các tác giả nổi tiếng của đất nước này và cũng từ đó tập làm thơ bằng tiếng Đức, dịch thơ Đức sang tiếng Việt. Thành quả đầu tiên đáng nói đến là năm 1959, ở tuổi 16, ông đã đoạt giải Nhất về thơ trong một cuộc thi Tài năng trẻ ở thành phố Bitterfeld với bài thơ viết bằng tiếng Đức nhan đề “Chung một con đường” để chào mừng Quốc khánh lần thứ 10 nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Như có đà, bởi sự khích lệ của bè bạn Đức và Việt Nam, ông viết và đăng thơ trên các báo của xí nghiệp và thành phố.
Sau này, khi làm phóng viên thường trú ở Berlin, ông tiến xa hơn: dịch một tập thơ của thi sĩ Tố Hữu ra tiếng Đức và có cả một chùm thơ đăng trên tờ Nước Đức mới (Neues Deutschland) cơ quan trung ương của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED). Năm 2005, trở lại thăm Đức, ông sáng tác bài thơ “Đresđen, ngày về…” khá dài, được các bạn Đức nồng nhiệt tán thưởng và giới thiệu trên tờ báo ngôn luận chính thức của Hội Hữu nghị Đức - Việt. Được nhà xuất bản Cuộc sống mới (Neues Leben) gợi ý, ông đã chuẩn bị bản thảo Album Thơ Trần Đương, do họa sĩ Lê Huy Văn vẽ bìa, nhưng rất tiếc không thực hiện được vì đúng lúc thống nhất hai nhà nước Đức !
Cũng xin nói thêm rằng, về làm việc trong nước, ông vẫn dịch thơ ra tiếng Đức theo yêu cầu của phía Bạn, như: thơ Lê Đức Thọ, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt và một số nhà thơ trẻ. Theo đề nghị của Viện Goethe Hà Nội, ông đã viết bài thơ Khúc hát nhỏ trên sông Đồng Nai” và dịch ra tiếng Đức để tham dự chương trình hoạt động trong khuôn khổ hội chợ Expo - 2000 tại thành phố München: Diễn đàn thế giới của nước (Wasserwelten). Dịch xong, tác giả tự đọc để ghi âm cả hai thứ tiếng và phát tại hội chợ.
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Đương. |
Tôi phải nói rằng, thế giới thi ca của Trần Đương thật là phong phú. Về thơ của bản thân ông, tôi sẽ nói sau. Hãy tạm lướt qua những công trình dịch thuật thi ca của ông: Trần Đương đã dịch ra tiếng Việt các tác phẩm: Tình yêu và bão táp (thơ Karl Marx - 1983), Thơ tình Heinrich Heine (1992), Thơ trữ tình J.W.Goethe (1999), Thơ J. R. Becher (2002), Nước Đức, một truyện cổ tích mùa đông và 25 bài thơ khác của Heinrich Heine (2008) và hàng trăm bài thơ của F.Schiller, G.Hauptmann, H.Hesse, R.M.Rilke, E.Weinert, Bertolt Brecht, Eva Strittmatter, Helmut Preissler, Helfried Schreiter cùng nhiều nhà thơ khác của Đức, Italia, Nga, Bungari, Cu Ba…
Chỉ tạm lướt qua thôi, bởi vì với bài viết này, tôi muốn tập trung viết về mảng thơ của chính Trần Đương qua Tuyển tập mà tôi đề cập ở trên. Tôi nói thế giới thơ ông thật là phong phú, trước hết bởi ông “có một cuộc đời thật thú vị” như lời bà Anke Stahl - Trưởng cơ quan đại diện Hàn lâm Đại học (DAAD) của Đức tại Hà Nội đã nói khi đọc bộ sách “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi” xuất bản liên tiếp trong mấy năm nay.
Cuộc đời ông, từ tuổi ấu thơ, cho đến hôm nay, ngót 77 năm, trải qua biết bao tình huống, biết bao vùng đất, vùng trời, gặp gỡ biết bao con người trên quê hương Việt Nam và tại hàng loạt nước trên thế giới ! Thơ là tiếng nói trực tiếp, như một tấm gương phản chiếu chân thật cuộc đời Trần Đương dù ở hoàn cảnh nào, trong môi trường hạnh phúc, êm ả cũng như trong chiến tranh gian khổ, đầy lửa đạn. Trong bài thơ “Tiếng chim hót trong mùa cưới ở Vĩnh Linh”, Trần Đương viết:
“Khi tôi đứng trên bến đò Tùng Luật
Chợt sung sướng đến ngỡ ngàng trong khoảnh khắc bình yên
Không dữ dội như ngày nào bom cày nát đất
Những tiếng nổ rung trời tôi nghe đã quen.
Giờ chỉ thấy tiếng chim lanh lảnh hót
Như báo những niềm vui trong mùa cưới Vĩnh Linh
Sông Hiền Lương nhẹ nhàng lao xao, thánh thót
Như tiếng ai hò chèo cạn lúc bình minh.
Và tôi hiểu: đời tôi chia làm hai nửa
Một nửa gào trong tiếng đạn bom
Cái nửa ấy mãi bập bùng ánh lửa
Như hết thảy mọi người, tôi rắn rỏi hơn…
Còn cái nửa hôm nay, dẫu là bờ “sông tuyến”
Đã thấy hai đầu cầu tràn ngập ánh hoa đăng
Ôi những con nước ròng, nước lên, xao xuyến
Lại có nửa đời êm ả thế này chăng ?
Tôi nghĩ rằng, đó là những câu thơ viết trong hoàn cảnh thật - khi Trần Đương có mặt ở bờ “sông tuyến” - nhưng cũng có ý nghĩa biểu tượng cho hai phần đời, hai tình huống khác nhau, không chỉ của riêng tác giả, mà của “hết thảy mọi người”. Cũng tương tự như vậy, tháng 7 năm 2004, sau hơn 30 năm xa cách Quảng Bình tuyến lửa, nhà thơ dừng chân ở Đồng Hới và liên tưởng bên dòng Nhật Lệ:
“Tôi đứng bên này, hồn tôi bên ấy
Tôi phân thân bởi một dòng sông
Những ký ức một thời trỗi dậy
Hồn tôi nắng ngời cửa biển mênh mông…”
Từ thuở nhỏ, ở xa Tổ Quốc, Trần Đương luôn mang nặng tấm lòng thương nhớ quê hương và bao giờ cũng liên tưởng đến quê hương. Đang vui ở biển Ban Tích, nhà thơ nhớ biển Sầm Sơn quê nhà; nghe tiếng chim cu gáy giữa thành phố Vácxava lại nhớ ngày xưa cùng bè bạn chạy nhảy dưới rặng ổi, trong vườn cà. Cũng vậy, đến Bauxen, nhà thơ nhớ Việt Bắc vào thu; đến Sinaia ở Rumania nhớ về Đà Lạt; đến Xilôna Gôra, nhà thơ nói với cô gái Ba Lan: “Quê hương em đó khác nào quê anh”.
Chàng thiếu niên 15 tuổi ngày nào nhớ về Tổ Quốc đã nghĩ đến “bát nước chè xanh đọng mảnh trăng”, đến “hàng tre mướt”, gần 30 năm sau đưa con về quê nội “đồng khô, mờ bãi cát”, nơi có “bao cuộc đời dầu dãi”, nơi ngày xưa “trần lưng cắt cỏ chăn bò”, “hắt hiu cồn cát sương mờ cỏ lau”. Nhà thơ không thể quên bao trận bão giông “mùa khô nắng hạn, trắng đồng mùa mưa”, lòng cứ bàng hoàng vì “nỗi lo canh cánh chiêm mùa - thương từng bụi lúa bắp ngô quê nghèo”. 20 năm sau nữa, ông lại đưa cháu gái về thăm quê và kể cho cháu nghe: “Ôi những trưa đói lả - Nhai tạm cọng cải xanh - Uống một hơi nước lã - Rồi đến trường cho nhanh”. Từ thuở xa xưa ấy, tròn 50 năm trước, ông lên đường sang Đức:
“Ra đi và thương nhớ
Canh cánh một tình quê”
“Thương bao người vất vả
Cày cuốc suốt cả năm
Đêm đêm đi đánh cá
Lo chạy từng bữa ăn…”
Nhưng, từ quê nghèo, đất cằn khô ấy, 10 năm sau, gửi thư cho cháu, ông phấn khởi báo tin:
“Bây giờ khác lắm, cháu ơi !
Thênh thang đường lớn, mặt người tươi hoa”
và dặn cháu:
“Dẫu đi xa tận phương nào
Cháu ơi, mãi mãi dạt dào tình quê…”
Đọc tập “Thơ Trần Đương”, tôi cảm nhận xuyên suốt cả 300 bài thơ ấy là một mối “tình quê dạt dào”. Lặng lẽ, không ồn ào, ngôn từ rất bình dị, trong sáng, nhà thơ đã viết về một chuyến “xuyên Việt” trong bài “Một dải quê hương” đầy cảm xúc, đúng như ông thổ lộ: “Từ tinh mơ đến chiều tàn - Trái tim ta hát ngập tràn yêu thương…”
Trái tim ấy hát suốt cả một đời, về người mẹ yêu thương nơi quê nhà, về người cha tận tụy với việc nước, và ông nội - một chiến sĩ Cách mạng từ những năm 20 của thế kỷ 20, về ông bà ngoại sống thanh bần mà giàu tình nghĩa. Trái tim ấy hát về mỗi bước đường đời của các con, các cháu:
“Một đời cha chẳng có gì
Ngoài bao năm tháng sống vì các con
Cha nghèo, chẳng ước gì hơn
Các con mạnh khỏe, lớn khôn từng ngày…”
Vẫn là tiếng hát ấy, nhà thơ dành cho bao nhiêu con người mà ông yêu quí, kính trọng.
Đó là: mẹ Suốt, má Th., bà bầm, bà má Củ Chi, bà mẹ Vân Kiều, các mẹ Liên Xô, Đức.
Đó là các bậc tiền nhân: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trịnh Thị Ngọc Lữ, Lê Lợi, Trần Nhân Tông, Lê Hiến Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Đinh Sâm, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nơ Trang Lơn…
Đó là: những vị tiên biệt, các chiến sĩ đã dâng hiến cuộc đời cho Tổ quốc: Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, các chiến sĩ Bắc Sơn, Nam Kỳ khởi nghĩa, các chiến sĩ giải phóng với lời thề “chết thì phải chết ở vành đai”, thanh niên xung phong, các chiến sĩ ở Thành cổ Quảng Trị, các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc… Tình cảm của nhà thơ cũng được dành cho những người con ưu tú của nhân dân như: Đặng Thùy Trâm, Phạm Xuân Ẩn, La Thị Tám và các chị ở Ngã ba Đồng Lộc.
Đó là các nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng: Lênin, E.Thaelmann, Che Guevara, Xuphanuvông…
Đó là các nhà hoạt động văn học - nghệ thuật lừng danh ở mọi phương trời: Goethe, Schiller, Heine, Beethoven, Mozart, Schubert, Picatxô, Tagore, Wagner, Weber, Lỗ Tấn cho đến Becđy Kácbaép, Edwin Thumboo, Boo Junfen, Blaga Dimitrôva, Nicolai Ostorốpxki, Faber, Preissler… của thời đại ngày nay.
Đó là các văn nghệ sĩ ưu tú của nước nhà: Nguyễn Khuyến, Tố Hữu, Trần Huy Liệu, Nam Cao, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Văn Cao, Huy Cận, Tế Hanh, Quang Dũng, Huỳnh Văn Nghệ, Bàn Tài Đoàn, Võ Huy Tâm, Vũ Cao… Nhà thơ cũng trân trọng ca ngợi những con người hàng ngày sống hết mình vì hạnh phúc của nhân dân, như: các anh Chá Chùng Chư ở Điện Biên, anh Gà ở Tà phìn, anh Đinh Văn Đũa ở Gò Loi…
Đặc biệt, trái tim đầy ơn nghĩa của nhà thơ đã hát những bài ca chân thành nhất, xúc động nhất về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Chính Người đã tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc đời Trần Đương: Bác Hồ. Mùa thu năm 1955, cậu bé 12 tuổi từ làng quê nghèo Quảng Thái may mắn là một trong số 149 thiếu nhi Việt Nam được Bác Hồ và Nhà nước ta gửi sang CHDC Đức học tập. Trước khi lên đường, số thiếu nhi này được Bác Hồ cho vào Phủ Chủ tịch thăm Người và nghe Người căn dặn. Sự kiện đó diễn ra vào sáng ngày 28-8, đúng vào sinh nhật thứ 12 của Trần Đương. Cuộc thăm Bác đã tạo cho nhà thơ tương lai ấn tượng vô cùng sâu sắc. 60 năm sau, trong ngày gặp mặt cùng bè bạn thuở ấy, Trần Đương viết:
“Năm ấy, ta là những bé thơ
Khăn đỏ quàng vai, thăm sắc cờ
Qua vườn Bách Thảo, vào thăm Bác
Muôn dặm đường vui, thỏa ước mơ…
Bác ơi, lời Bác dạy năm nào
Tạc lòng, chúng cháu hướng tầm cao
Mãi mãi đi theo đường của Bác
Mỗi người lấp lánh một vì sao !...”
Từ mùa thu 1955 ấy, tuy còn nhỏ, Trần Đương đã nuôi ước vọng làm thơ về Bác. Thật ra, ngay trước đó, khi còn cắt cỏ chăn bò ở quê nhà, chú bé đã có bài thơ chào mừng Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô (1953) được giới thiệu trên bức tường của nhà văn hóa xã, trong đó có những câu ca ngợi Bác kính yêu. Được gặp Bác, ý nguyện làm thơ về Bác càng rõ rệt hơn. Tại trường Käthe - Kollwitz, Trần Đương đăng nhiều bài trên báo tường, báo liếp của Liên đội thiếu niên, đọc trên loa truyền thanh của nhà trường. Năm 1956, Trần Đương được Ban phụ trách Liên đội trao tặng giải Nhì về chùm thơ tham dự cuộc thi văn nghệ nhân Kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ lần thứ 66.
Sáng tác thơ về Bác, Trần Đương mãi mãi ghi nhớ một “sự kiện” trong đời mình, đó là lần đầu tiên được báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản) đăng bài “Nỗi nhớ chẳng hề khuây” vào mùa thu tiễn Bác 1969. Sau này, khi giới thiệu tập thơ “Gió từ Ban tích” của Trần Đương trên báo Nhân dân cuối tuần, số 47 (ngày 23-11-2003) nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại có nhắc đến bài thơ trên và nhận xét: “trong thơ Trần Đương, đề tài về Bác Hồ ghi một dấu ấn sâu đậm. Trong số những câu thơ về Bác, tôi nghĩ Trần Đương cũng có cách cảm nhận riêng đáng nhớ:
“Diệu kỳ thay ! Khi Bác đã đi xa
Bác bỗng lớn hơn triệu lần tưởng tượng
Nhưng dáng vóc và tầm cao muôn trượng
Lại rất gần… Như hết thảy người thân”.
Trong tập thơ tuyển của mình, Trần Đương chọn hơn 10 bài viết về Bác. Tháng 3 năm 1970, khi các tổ chức Đoàn và Đội được mang tên Bác, nhà thơ trẻ viết ngay trong đêm bài thơ “Triệu triệu lần tên Bác sáng tim ta” (in trong tập “Đoàn quân vào trận lớn” của Nxb Thanh Niên). Ở phần đầu, Trần Đương bày tỏ:
“Cảm ơn Bác, cả một đời gieo hạt
Cho mùa xuân đất nước mãi xanh tươi !
Bác dạy trồng cây, Bác dạy trồng người
Một đời Bác đã trồng bao thế hệ !”
Và như một lời thề, Trần Đương viết ở đoạn cuối:
“Bác Hồ ơi ! Tên Người như ngọn lửa
Sáng lòng con trong mỗi bước đi lên
“Đâu cần thanh niên có - đâu khó có thanh niên”
Lời Bác dạy, quyết trọn đời ghi nhớ !”
Cũng trong năm 1970, bài thơ “Nắng Ba Đình” ra đời, được Tạp chí Văn nghệ Hà Nội trân trọng giới thiệu trong một chùm thơ của Trần Đương. Vẫn chưa quên cái tang lớn của đất nước, nhưng cảm xúc của nhà thơ hàm chứa một sức mạnh lớn hơn:
“Suốt cả đời ta xối xả một tuần mưa
Dòng nước mắt thấm qua nhiều thế hệ
Chính sau phút lòng ta rơi lệ
Nghe khắp Ba Đình lại nắng trong veo
Đôi mắt Bác Hồ như vẫn dõi theo
Bước bước ta đi dưới trưa thầm lặng
Ôi có phải không, trong từng vạt nắng
Ta nhìn ra ánh mắt của Người !”
Trong chùm thơ viết ở Tây Bắc (1970) nhân chuyến công tác để thực hiện một phóng sự cho bản tin Thông tấn xã Việt Nam, bên cạnh các bài được giới thiệu trên tạp chí Tác phẩm mới, Trần Đương được nhà văn Hoài Thanh chọn in bài “Chiềng Ly theo chân Bác” trên báo Văn nghệ. Như nhà văn lão thành nhận xét, bài thơ phản ánh khá nhuần nhuyễn tấm lòng của bà con các dân tộc miền núi đối với Bác kính yêu.
Những năm sau này, khi trở lại Đức với nhiệm vụ làm phóng viên thường trú của TTXVN, Trần Đương đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, ghi chép về các mối quan hệ giữa Bác Hồ và các bạn Đức. Trên cơ sở các tư liệu tích lũy được, ông viết và cho ra đời hàng loạt cuốn sách về Người, trong đó có những cuốn được in đi in lại: “Bác Hồ như chúng tôi đã biết”, “Hồ Chí Minh trên quê hương Các Mác”…Đề cập công việc này, Trần Đương không quên ghi lại cảm xúc của mình trong bài thơ “Béc - lin … Người ở…”:
“Bồi hồi trong nắng ban trưa
Con lần theo dấu chân xưa của Người
Tìm trong tiếng nói cuộc đời
Con nghe đây đó lời lời vang ngân…”
Từ những ký ức của bầu bạn quốc tế, nhà thơ cảm nhận:
“Tấm lòng lộng gió muôn phương
Người đi Người để tình thương cho đời
Chúng con tìm dấu chân Người
Nghe âm vang mãi bao lời ngợi ca…”
Nhưng, không chỉ thông qua những ký ức mà cả những bài thơ, khúc hát của họ dâng lên Bác đã được Trần Đương dịch: “Bài thơ kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh” (G.Slippe), “Việt Nam - tình yêu của tôi” (W.Zahlbaum), “Hồ Chí Minh” (E.Schumacher)… và các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhà báo về cuộc đời và sự nghiệp của Người như: H.Szeponik, H.Kapfenberger, W.Lulei…Trên tạp chí "Văn học Đức mới" (NDL) của Hội Nhà văn CHDC Đức, số tháng 5-1975, Trần Đương cũng có bài giới thiệu dài về thơ Bác Hồ viết trong những dịp xuân về, được các độc giả Đức rất hoan nghênh.
Từ khi trở về nước, song song với công việc được cơ quan giao phó, Trần Đương tiếp tục say mê tìm hiểu, ghi chép để viết sách, viết báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về văn hóa - nghệ thuật Đức. Với ngót 40 tác phẩm do ông viết và biên soạn về Bác, Trần Đương xứng đáng được ghi nhận là một trong những tác giả có nhiều đầu sách nhất về vị lãnh tụ vĩ đại. Riêng về thơ, bạn đọc còn biết đến: “Ghi bên chùa Hương”, “Cuộc tìm thăm cách 5 thế kỷ”, “Bản Mạy”…ca ngợi những khía cạnh độc đáo về cuộc đời và tâm hồn của Bác. Với toàn bộ các đầu sách, các công trình nghiên cứu dài hơi và những bài thơ Trần Đương viết về Bác, tôi càng tin và thấm thía lời ông bày tỏ trong bài báo đăng trên Nội san Thông tấn: “Viết về Bác Hồ là hạnh phúc lớn của đời tôi”.
*
Năm 1992, ngay sau khi tập thơ “Trái đất trong vòng tay” của Trần Đương do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành, nhà thơ Lữ Giang đã có bài viết cho báo Văn nghệ: “Đây là một tập thơ giàu cảm xúc mà nét độc đáo chính là những cảm xúc về nhiều vùng đất, vùng trời ở các nước anh đến, những con người bầu bạn mà anh tiếp xúc, yêu mến”. Nhà thơ Lữ Giang còn viết: “Tôi có một ấn tượng đậm nét về năng lực thi ca của nhà thơ còn trẻ tuổi nhưng khá nhiều triển vọng… Bài nào cũng viết chắc tay, có tình, tả cảnh để người đọc thêm yêu cái cảnh đã tả, không thừa lời, không dài dòng…”
Với tập thơ Tuyển này, Trần Đương đã không phụ lòng nhà thơ đàn anh và thực sự tỏ ra là một “năng lực thi ca khá nhiều triển vọng”. Nếu Lữ Giang còn sống, tôi tin chắc ông sẽ rất hài lòng về con đường sáng tác của Trần Đương. Từ tập thơ đầu tay ấy, đã ngót 40 năm trôi qua. Nét độc đáo của thơ Trần Đương cho đến nay vẫn là những cảm xúc về nhiều vùng đất, vùng trời nhà thơ đến, những con người bầu bạn mà nhà thơ tiếp xúc, yêu mến. Nhưng rõ ràng là phong phú, đa dạng hơn rất nhiều - cho dù ông “chẳng mấy thời gian chăm sóc cho thơ”.
Cứ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ sáng tác, đi nhiều, học hỏi nhiều, Trần Đương đã và đang cống hiến cho đời cả một “sản phẩm văn hóa đồ sộ” như nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung khẳng định. Trong sản phẩm văn hóa ấy, có tập thơ dày dặn, mang sức nặng cả về nội dung lẫn hình thức. Tôi vui mừng chào đón nó, đọc nó và cảm thấy mình được cùng tác giả có mặt ở rất nhiều nơi trong nước và trên thế giới, được hân hoan bày tỏ tình cảm với bao con người của trái đất này.
Không ít nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã viết về THƠ TRẦN ĐƯƠNG - qua các tập in riêng lẻ cũng như qua tuyển tập này. Họ đều có những nhận xét tinh tế về thơ ông, mặt mạnh cũng như mặt chưa mạnh. Nhưng, điều nhất quán là ở chỗ: Thơ Trần Đương chân thành, trong sáng, đằm thắm trước cuộc đời, trước con người. Tôi cũng nghĩ vậy. Sự nhạy cảm của thơ ông thể hiện ở bất cứ nơi nào ông đến, nó cứ âm vang và cuốn hút người đọc, nhất là những chùm thơ Nhật ký viết ở nước ngoài cũng như trong nước, dù ở góc trời nào.
Gấp tập thơ lại, trong lòng tôi cứ vang vọng những âm thanh kỳ diệu, từ tiếng gà gáy ở Thái Bình, tiếng chuông ngân ở Xuxđan, Búcsenvan, cố đô Đrexđen đến tiếng đàn “toóc-tơ-la-tơ” “trên biên giới, tiếng đàn ta lư ở Tây Nguyên, tiếng bập bùng của ngọn lửa Cà - boong, tiếng sóng cồn Ban - tích, tiếng đàn môi Sapa, tiếng nước chảy của kênh đào Caracum, tiếng sáo trúc ở Hồ Nga, tiếng cồng Đồng Lão và Đà Lạt, tiếng trống những đêm vui Châu Phi cho đến tiếng hát xẩm của mẹ Hà Thị Cầu, tình ca du mục của cô gái Thái, quan họ Bắc Ninh và cả giai điệu Xa-cra-va của Xăm đéc quốc trường Xi-ha-núc. Và lòng tôi cũng hòa quyện sắc màu của bao xứ sở, ấy là rừng mơ sông Bôi, chùm nho nước Nga, nước Italia, trưa nắng thành Viên, ngọn lửa Hồng Trường, cảnh vật Tông lê sáp, Luổng Phạ bang, Cánh đồng Chum, Ăng Kor, suối mát ngàn đời trong hang Ngọc trúc cho đến vầng trăng ở biển xa Ban tích, ở làng Vác tha, ở Tatsken, ở Vai-ma và trong đêm tuyết Mát- xcơ -va…
Đọc những vần thơ đầy chất trữ tình, không thể không thổn thức cùng cảnh sắc và lịch sử của Bắc Sơn, Củ Chi, Hóc Môn, của Tràm Chim Tam Nông với chuyện tình hoang sơ và Núi Cốc Sơn La, Cốc Lếu Lào Cai, với Vũng Tàu “vút cao ngọn lửa biển dầu phương Nam”, với Lóng Luông thơm phức cỏ Lào, với A Lưới của người Tà Ôi “oai hùng và lãng mạn”, với Phan Rang rộn ràng trong lễ hội Cầu Mưa, Ka-tê, Cha-bun, với Mông Cổ trong các cuộc đấu vật, cho đến Cù Lao Xanh hòn đảo anh hùng, phố núi Bắc Yên, Chùa Keo với chiếc thuyền “chở đầy sự nghiệp của Minh Nghiêm…”, với hoa đào, hoa qui vàng, hoa bằng lăng ở Đà Lạt, hương hồi xứ Lạng, hương khói của đất thánh Thanh Tú Sơn, của những ngôi chùa vàng Băng Cốc…
Tôi yêu biết bao những dòng sông của hàng trăm xứ sở cứ dạt dào chảy và cuồn cuộn trong thơ Trần Đương, từ những con sông nhỏ: Tu La, Ốp, Nậm Thi, Hương Giang, Kỳ Lừa, Thạch Hãn, Pô Cô, Pan ca pô, Cà Lồ, Nhật Lệ, Vàm Cỏ đến sông Hồng, sông Rhein, sông Sein, Trường Giang, Elbe, Cửu Long… Ở mỗi dòng sông lấp lánh cuộc đời của những con người, in bóng những ngọn núi, những con đường của lịch sử.
Cho tôi được nói rằng, cùng chảy với những dòng sông ấy là dòng sông Thơ của cuộc đời Trần Đương - một dòng sông âm thầm, lặng lẽ nhưng không kém phần say mê và quyết liệt. Với tấm lòng của một người bạn, tôi trân trọng dòng sông Thơ ấy