Sáng ngày 16/10, tại Hà Nội, Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã phối hợp với Nhóm “Vinh xưa” tổ chức thành công chương trình giao lưu, gặp mặt “Lan tỏa Vinh xưa – Hà Nội 2022”.
Được mệnh danh là “thành phố Đỏ”, lâu nay thành phố Vinh (Nghệ An) vẫn được biết đến là một địa danh lịch sử và cách mạng, với những địa danh và sự kiện đấu tranh cách mạng đã đi vào lịch sử dân tộc, như Bến Thủy, Trường Thi, Xô viết Nghệ Tĩnh, tiêu thổ kháng chiến… Ít ai biết rằng, đã có một thời Vinh là đô thị công nghiệp, kỹ nghệ và thương mại bậc nhất Trung Kỳ.
Không chỉ có cơ sở hạ tầng đô thị khá hoàn thiện, các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại và quy mô tầm cỡ Đông Dương (Nhà máy Diêm Bến Thủy, nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy gỗ, nhà máy điện Bến Thủy, nhà máy đồ hộp Lapique…), Vinh còn là đô thị của trí thức, là trung tâm giáo dục đào tạo, văn hóa, báo chí, thể thao của cả vùng. Đặc biệt, Vinh đã từng là một đô thị đa văn hóa, với tỷ lệ người nước ngoài, người ngoại tỉnh đến đầu tư, làm ăn, sinh cơ lập nghiệp rất cao.
Toàn cảnh thành phố Vinh hiện nay (nguồn ảnh: Báo Nghệ An) |
Chương trình giao lưu, gặp mặt “Lan tỏa Vinh xưa – Hà Nội 2022” được tổ chức nhằm mục đích giúp cho công chúng có một hình dung khác về Vinh, với tư cách một đô thị công nghiệp, kỹ nghệ và thương mại bậc nhất Trung Kỳ thời thuộc Pháp. Qua đó, bồi đắp thêm tình yêu đối với thành phố, để càng khắc khoải với Vinh xưa, càng trăn trở với Vinh nay.
Sự kiện được bắt đầu bằng trưng bày 50 bức ảnh về đô thị Vinh thời thuộc Pháp từ ngày 10/10 đến ngày 16/10/2022. Đồng thời trong sự kiện này cũng là lần đầu tiên trình chiếu hai bộ phim tài liệu về Vinh thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, trong đó chứa đựng rất nhiều hình ảnh về đô thị và con người thành Vinh thời khói lửa.
Điểm nhấn của sự kiện là chương trình giao lưu, tọa đàm với chủ đề: Đất và người Thành Vinh, với sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu như: Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần,…
Đánh giá về vai trò, vị trí của thành phố Vinh xưa, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp – Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội cho rằng: “Vinh xưa là di sản văn hóa phi vật thể, là cốt cách của người dân xứ Nghệ , tỏa sáng cho Vinh nay và cho muôn đời sau”.
Có thể nói “Lan tỏa Vinh xưa – Hà Nội 2022” là sự kiện góp phần tái hiện một đô thị Vinh phong phú và đa dạng và từ đó có thể thấy điều cần và có thể làm là nghiên cứu, chắt lọc những giá trị Vinh trong quá khứ, để cho những giá trị đó không mất đi, mà ngược lại được ghi nhớ, được bảo tồn và phát triển.