Cty trên hoạt động trong lĩnh vực gia công, chế biến đồ gỗ gia đình, có khoảng 200 lao động, thời điểm xảy ra vụ tai nạn lao động có 42 công nhân đang làm việc. Sau khi xảy ra vụ nổ lò hơi, Công an Đồng Nai đã tạm giữ người đứng đầu DN này.
Lò hơi dạng ống nước được Cty trên lắp đặt để phục vụ sản xuất. Lò có công suất sinh hơi 1.000kg/giờ ở bên ngoài, cạnh vách tôn xưởng bán thành phẩm. Cty này cho biết quá trình sử dụng đã phát hiện lò hơi trục trặc kỹ thuật và đã liên hệ đơn vị cung cấp thiết bị đến bảo dưỡng, sửa chữa vào ngày 30/4. Đến sáng 1/5, khi cán bộ kỹ thuật của công ty vào kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là lỗi kỹ thuật lò hơi.
Các thiết bị như lò hơi phải trải qua yêu cầu kiểm định rất nghiêm ngặt trước khi vận hành. Đặc biệt, dạng lò hơi có công suất sinh hơi 1.000kg/giờ, nghĩa là nếu có sự cố, thì sức tàn phá tương đương một quả bom. Muốn đưa lò hơi vào hoạt động phục vụ sản xuất phải được sự chấp thuận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Tuy nhiên, qua kiểm tra, Cty này chưa đăng ký sử dụng thiết bị an toàn lao động và cũng chưa có các giấy tờ kiểm định lò hơi,
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện, nơi xảy ra vụ tai nạn lao động, cơ sở sản xuất trên hoạt động từ cuối 2022. Trước thời điểm này, cơ quan chức năng có kiểm tra nhưng lúc này Cty đang ngưng hoạt động. Từ đó đến nay, ngành chức năng chưa kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn lao động với cơ sở này lần nào.
Lý giải vấn đề này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, Đồng Nai có 42.000 DN đăng ký hoạt động nên không thể thanh, kiểm tra hết tất cả các DN. Hàng năm, Sở đều có văn bản yêu cầu các địa phương đề xuất Cty có vấn đề để đưa vào danh sách kiểm tra. Cty này chưa được UBND huyện đề xuất nên từ khi hoạt động cuối 2022 đến nay, cơ sở này chưa được thanh, kiểm tra.
Đánh giá về sự việc, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác an toàn lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiều nơi còn lơ là, để xảy ra các vụ tai nạn lao động, trong đó có vụ nổ lò hơi gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra, siết chặt quy trình an toàn lao động trong sản xuất tại DN. Đồng thời, cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chủ DN và mỗi người lao động trong chấp hành các quy định về an toàn lao động. Dư luận đánh giá lãnh đạo địa phương này đã dám nhận diện, nhìn thẳng vào thực tế, để đưa ra một giải pháp phù hợp.