Làm sao để khách hàng ở Hà Nội có thể mua điện từ Cà Mau
Lộ trình tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ thực hiện qua 4 giai đoạn: Giai đoạn 1(2020-2021)- chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; Giai đoạn 2 (2022-2023)- khách hàng sử dụng điện lớn tham gia mua điện từ thị trường giao ngay; Giai đoạn 3 (2024-2025)- khách hàng sử dụng điện lớn lựa chọn đơn vị bán lẻ điện; Giai đoạn 4 (sau 2025)- phát triển mở rộng thị trường bán lẻ điện.
Tuy nhiên, ở giai đoạn 3, chỉ nhóm khách hàng sử dụng điện lớn đủ điều kiện mới được tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay; Đồng thời cho phép một số khách hàng sử dụng điện lớn tại một số khu vực được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện. Các khách hàng sử dụng điện còn lại vẫn phải tiếp tục mua điện từ các tổng công ty điện lực theo biểu giá bán lẻ do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Ở giai đoạn 4, dự kiến sẽ mở rộng đối tượng khách hàng lớn được mua điện trên thị trường điện giao ngay; Mở rộng phạm vi thị trường bán lẻ điện, cho phép các khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện (theo lộ trình phù hợp với quy mô tiêu thụ điện của khách hàng).
Còn các khách hàng không tham gia thị trường vẫn tiếp tục mua điện từ các đơn vị bán lẻ điện mặc định (các tổng công ty điện lực) theo biểu giá do cơ quan có thẩm quyền quy định. Như vậy, sau năm 2025, người dân muốn tham gia vào thị trường bán lẻ điện mới có thể lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, lộ trình mà Bộ Công Thương đưa ra có đến đích hay không chưa thể kết luận được bởi điện không phải như thị trường vật chất. Thị trường điện là vô hình vô dạng, sản xuất và tiêu thụ đồng thời cùng một lúc, từ nhà máy phát điện đến người tiêu thụ diễn ra đồng thời qua đường dây truyền tải và phân phối điện.
Điều quan trọng nhất ở thị trường này là phải bố trí làm sao để khách hàng ở Hà Nội có thể mua điện từ Cà Mau. “Phải giải quyết được vấn đề này thì mới có thể gọi là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh” - ông Ngãi nhấn mạnh.
Cùng với đó, mô hình của Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ phải thay đổi cho phù hợp và cơ cấu được phân bổ bằng “các người bán”. Những người bán phải tìm cách giảm giá thành bằng cách tiết kiệm từ giảm tổn thất điện năng, chi phí sinh hoạt, nâng cao năng suất lao động… để người dân có thể được mua điện với giá cạnh tranh thật sự.
Cũng theo ông Ngãi, nếu có thị trường điện cạnh tranh thì sự cạnh tranh sẽ xảy ra rất quyết liệt vì nguồn điện lúc đó thiếu hay thừa là do nơi phát, sẽ có tổng điều hòa nguồn và lưới điện. Các tỉnh, thành sẽ có nhiều điểm bán, có thể bán theo mùa, theo thời tiết hoặc phân theo giờ cao điểm, thấp điểm để định ra giá thích hợp.
Thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia
Giáo sư Trần Đình Long - chuyên gia trong ngành điện cho rằng, còn hơn 3 năm nữa sẽ đến thời điểm hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh nhưng để đi đến đích này còn rất nhiều việc phải làm. Thứ nhất là khung chính sách, những văn bản quy định để làm cơ sở cho thị trường bán lẻ cạnh tranh. Trong đó cần tiếp tục hoàn thiện những quy định như tổ chức công ty bán lẻ như thế nào.
“Ngoài những đơn vị bán lẻ điện lực hiện nay thì những thành phần kinh tế khác muốn tổ chức ra những công ty bán lẻ tương tự hoặc công ty bán buôn sẽ phải tuân theo những quy định nào? Hiện nay, chỉ doanh nghiệp nhà nước được bán điện, do đó, sẽ phải thu hút sự tham gia của càng nhiều thành phần kinh tế càng tốt, lúc đó mới có thể mang đến một thị trường cạnh tranh thực sự” - ông Long nói.
Vấn đề thứ hai là hạ tầng cơ sở vật chất khi thực hiện bán lẻ cạnh tranh. Bởi khi phát triển bán lẻ cạnh tranh thì những giao dịch hàng ngày trên mảng thông tin điện lực rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với cái lượng thông tin hiện nay. Muốn như vậy cơ sở vật chất về công nghệ thông tin điện lực phải được phát triển một cách tương ứng.
Vấn đề nữa là hoàn thiện hệ thống đo đếm. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là toàn bộ hệ thống công tơ phải là công tơ điện tử đa chức năng. Đây sẽ là một vấn đề khá lớn cho ngành điện. Vì hiện nay công tơ cơ trên lưới điện còn rất nhiều, nếu sử dụng công tơ cơ như hiện nay thì không thể thực hiện được bán lẻ cạnh tranh một cách đầy đủ.
Tuy nhiên, theo ông Long, điều quan trọng nhất để có thể vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh là nguồn cung. Hiện nay, nguồn cung điện không có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, nếu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì phải dùng hình thức phân phối điện, phân phối lượng điện thiếu ra cho các khu vực, các khách hàng. “Nếu tình trạng như vậy xảy ra thì sẽ không thực hiện được cạnh tranh thật hoàn chỉnh” - ông Long khẳng định.
(còn tiếp)
Trình bày Báo cáo kết quả phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” tại phiên họp của UBTVQH ngày 16/9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ ra một số vấn đề như: cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải.
Từ thực tế trên, ông Thanh kiến nghị chính sách đầu tư cần hướng đến thu hút nhà đầu tư theo vùng, miền, tạo sự hài hòa trong cơ cấu nguồn điện, lưới điện các vùng, miền trên cả nước. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án điện, tạo sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng...
Về giá điện, ông Thanh kiến nghị cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua bán điện. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng.
Minh Ngọc