Do không có quy định cụ thể nên cơ quan THA lúng túng trong trường hợp người được THA chỉ yêu cầu phần tiền gốc mà chưa yêu cầu THA đối với khoản lãi chậm thi hành án.
Một vụ thi hành án. Ảnh minh họa |
Gốc một đằng, lãi một nẻo
Năm 2009, tại bản án số 05, TAND TP Hà Nội đã tuyên buộc ông Nguyễn Minh H. phải trả cho Võ Công M. số tiền 2,3 tỷ đồng. Kể từ thời điểm ông M có đơn yêu cầu THA (THA) mà ông H không trả thì phải chịu lãi suất với số tiền chậm trả.
Sau khi bản án có hiệu lực, ông M đã làm đơn yêu cầu đến cơ quan THA (nhưng chỉ yêu cầu đối với khoản nợ gốc mà không yêu cầu với lãi suất chậm trả). Qua xác minh, THA đã thi hành cho ông một phần nghĩa vụ nói trên tương ứng 1,2 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 1,1 tỷ đồng chưa thu được do ông H chưa có điều kiện thi hành.
Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, ông M lại tiếp tục có đơn yêu cầu đối với số tiền lãi chậm THA. Cơ quan THA lúng túng không biết thời điểm tính chạm lãi suất từ khi nào.
Có quan điểm cho rằng, đó chính là thời điểm ông M có đơn yêu cầu thi hành đối với bản án vì nó là khoản phát sinh đương nhiên từ số tiền gốc. Theo quan điểm này, lãi suất chậm THA được xem như là một khoản trong bản án hoặc quyết định.
Khoản này đương nhiên phát sinh (phát sinh lãi chậm THA trên nợ gốc) khi người được THA có đơn yêu cầu thi hành án, không phụ thuộc vào nội dung đơn có yêu cầu hay không và nó có thời hiệu yêu cầu thi hành theo quy định tại Điều 30 Luật THADS. Cách tính lãi suất chậm THA nên thống nhất như cách tính trong trường hợp người được THA đồng thời yêu cầu thi hành cả khoản nợ gốc và lãi suất chậm THA cùng một lúc.
Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng cần phải tính từ khi ông M có yêu cầu bổ sung (thi hành khoản tiền lãi do chậm THA), vì cho rằng thời điểm phát sinh lãi suất chậm THA là thời điểm người được THA yêu cầu THA đối với khoản lãi chậm THA và lãi suất chậm THA chỉ phát sinh đối với số tiền còn phải THA tại thời điểm họ yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án.
Sửa luật: sẽ quy định cụ thể
Vấn đề này, Bộ Tư pháp thừa nhận: Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và THA về tài sản không quy định rõ trong trường hợp người được THA chỉ yêu cầu phần tiền gốc mà chưa yêu cầu THA đối với khoản lãi chậm thi hành án, thì thi hành như thế nào. Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào thay thế hoặc hủy bỏ Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997, nên Thông tư này vẫn được áp dụng, trừ những nội dung không còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó.
Vì vậy, cách xác định thời điểm tính lãi phát sinh do chậm THA hiện nay theo Bộ Tư pháp căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997, Công văn số 165/KHXX ngày 18/10/2007 của Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán. Khi tính lãi chậm THA chỉ tính lãi của số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền chưa trả trong quá trình thi hành án.
Sửa đổi Luật THA dân sự, Bộ Tư pháp cho biết sẽ bổ sung quy định về lãi chậm thi hành án, theo đó quy định cụ thể mức lãi suất chậm thi hành án, thời điểm tính chậm thi hành án, phương thức thanh toán lãi suất chậm thi hành án.
Luật THA dân sự năm 2008 không quy định về lãi phát sinh do chậm thi hành án, tuy nhiên đây là một nghĩa vụ dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005. Thực tế, nhiều trường hợp bản án, quyết định trước thời điểm Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực có tuyên lãi chậm THA theo mức “lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định” đến nay chưa thi hành xong, thì việc tính lãi theo mức mới hay vẫn phải thi hành đúng nội dung bản án chưa rõ ràng |
P.V.