Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 tổ chức hành nghề luật sư và 1 chi nhánh văn phòng luật sư đang hoạt động. Tổ chức hành nghề và chi nhánh cấp mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu cả về số lượng và chất lượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh chỉ thực hiện cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 01 tổ chức hành nghề luật sư và 01 chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư; thông báo về việc đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư; cấp thẻ Tư vấn viên pháp luật cho 01 trường hợp. Sở Tư pháp cũng đã có quyết định thu hồi giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh Văn phòng luật sư Tấn Việt.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 03 tổ chức hành nghề công chứng hoạt động với 03 công chứng viên. Cùng với đó, số lượng các Giám định viên tư pháp, Đấu giá viên trên địa bàn tỉnh cũng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Trong khi đó, nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, tính chất vụ việc yêu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng phức tạp đặc biệt là các vụ việc dân sự, hành chính trong khi đội ngũ trợ giúp viên pháp lý còn ít so với nhu cầu hiện nay.
Ông Nguyễn Đăng Tuấn - Trưởng phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp Sở Tư Pháp Lai Châu |
Báo cáo sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Lai Châu cũng chỉ rõ, các nghề thuộc lĩnh vực tư pháp như luật sư, công chứng viên, đấu giá viên… có sự phát triển chậm do thiếu nguồn nhân lực. Điều này đã khiến công tác phối hợp giữa các Đoàn Luật sư, Hội Công chứng với cơ quan nhà nước trong công tác quản lý trên địa bàn còn chưa thường xuyên.
Việc sử dụng dịch vụ pháp lý từ các hoạt động bổ trợ tư pháp sẽ giúp giảm sức ép cho các cơ quan nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng lớn của người dân, đẩy mạnh cải cách tư pháp. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Bổ trợ tư pháp, đặc biệt là xây dựng nguồn nhân lực, tỉnh Lai Châu cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc phát triển các tổ chức hành nghề liên quan đến Bổ trợ tư pháp.
Hiện nay, tại rất nhiều địa phương trên cả nước, công tác xã hội hóa hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp đã được đẩy mạnh, qua đó góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp; đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.