Lão nông 10 năm mò mẫm biến “cá trời” thành cá nhà (Kỳ 2): Lạ kỳ cách "Hai Lúa" trả ơn thiên nhiên
Quy luật muôn đời là bắt cá từ sông để phục nhu cầu cuộc sống, thì ông Hai Chánh lại có cách làm ngược lại: Trong số hơn 3 triệu cá ba sa giống ông lai tạo ra hàng năm, lão nông này hào phóng dành khoảng 20% số cá để... thả về sông nhằm bảo tồn nguồn cá thiên nhiên đang ngày càng khan hiếm.
Thả cá về sông
Góp phần trong công trình nghiên cứu ép cá ba sa đẻ trong tự nhiên, khi đã thành công và có thu nhập, lão nông Tống Minh Chánh (Hai Chánh, ở ấp Long Thạnh 2, xã Long Hòa, huy Tân, tỉnh An Giang) chợt ưu tư: “Nguồn cá ba sa nói riêng và nhiều loại cá khác ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đang ngày càng cạn kiệt do đánh bắt quá mức, một phần khác là do biến đổi khí hậu và ô nhiễm nguồn nước...
1, Thu hoạch cá ba sa. |
Phải tìm cách nào bảo vệ, duy trì và phát triển chúng”. Nghĩ là làm, Hai Chánh đã thực hiện một quyết định mà không phải ai cũng đủ cái tâm và khả năng để làm được: Cứ đúng vào ngày 30 âm lịch hàng tháng, ông thả 10.000 con cá ba sa bột (loại 20-30 ngày tuổi) xuống đoạn sông Hậu gần nhà một cách tự nguyện và đầy tâm huyết.
Có được miếng ăn từ nghề ươm và nuôi cá, ông trả nợ trời bằng “chương trình” ông gọi nôm na là “thả cá về nguồn”, bắt đầu từ năm 2009, ước tính giá trị cá giống mỗi đợt ông thả là hơn 10 triệu đồng. Trong những năm sắp tới, dự kiến ông sẽ thả cá ra các con sông khắp đồng bằng sông Cửu Long với mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Lão nông bộc bạch: “Tôi mong sao loài cá này không bị tuyệt chủng trên dòng sông Mekong mà có thể phát tán sinh sôi nảy nở nhiều như xưa. Cá tự nhiên nhiều cũng là góp phần tạo nguồn thu nhập cho người nghèo sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta đã thừa hưởng những ân sủng của tự nhiên thì nay cũng phải biết giữ gìn bảo tồn những sản vật quý giá của tự nhiên. Đó là quy luật mà cũng là đạo lý”.
Kịch bản cho ngày biến đổi khí hậu
Dành nhiều thời gian nghiên cứu về ngành thủy sản, ông Hai Chánh đưa ra nhận xét: “Hiện nay, một số nước ở thượng nguồn sông Mekong tiến hành ngăn đập chặn dòng chảy sẽ khiến lượng nước ở hạ nguồn ít đi. Trong vài chục năm nữa, khi mực nước biển ngày càng dâng cao thì tình hình xâm mặn sẽ nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi cá nước ngọt”.
Theo tính toán của ông, chỉ cần độ mặn trong nước đạt tỷ lệ trên 1%, cá tra sẽ là đối tượng đầu tiên đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, kế đến là cá ba sa và nhiều loại cá đồng khác như: Cá lóc, cá rô, cá trê... Đó là lý do vì sao ông Hai Chánh đang đẩy mạnh nghiên cứu cách ươm nuôi một số loài cá có khả năng thích nghi cùng lúc trong cả môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn như.
Trong giới hạn độ mặn 0-3,5%, những loài cá này vẫn phát triển tốt. Hơn nữa, chúng có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao, nếu chủ động được con giống hoàn toàn có thể nuôi thương phẩm rộng rãi. “Giả thuyết trường hợp xâm mặn diễn ra nhanh thì nước ngọt phải được ưu tiên dùng cho sinh hoạt, còn nước lợ, nước mặn thì để nuôi cá” - ông Chánh phân tích.
Ông đã đi khắp nơi nghiên cứu kỹ thuật ươm cá giống và chọn con cá dứa vì cá dứa sinh ra tại nước ngọt và phát triển trong vùng nước lợ. Ưu điểm của loài cá này là ít mỡ, thịt dai và thơm, đồng thời là loài cá ăn tạp, dễ nuôi nên người nông dân có thể tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình nuôi dưỡng nhằm giảm bớt chi phí. Cũng giống như cá ba sa, trước đây nguồn giống cá này cũng chủ yếu là trong tự nhiên.
Ông dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về đặc điểm, tình hình và điều kiện sinh thái của cá dứa, quyết tâm đưa nó về với môi trường nước lợ để thay thế con cá tra và ba sa (loài cá nước ngọt) sẽ không còn thích nghi với khí hậu và môi trường nước lợ trong tương lai.
Với hệ thống nhân giống cá của mình, ông Hai Chánh đã làm cho con cá này trở thành con cá ba sa thứ hai: Đầu tư cả tỉ đồng đồng để nghiên cứu, lai tạo và cho cá dứa sinh sản. Sau gần 3 năm nghiên cứu, đến nay ông đã hoàn chỉnh được giai đoạn cá sinh sản và đang nuôi thử nghiệm 100.000 con giống. Ông tính toán: “Nếu môi trường tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu thì sẽ có trên 70% ao bỏ trống, nhưng thay vì treo ao, chúng ta có thể tận dụng để nuôi cá dứa”.
Chuyển vùng nuôi cho cá
Hai Chánh quan niệm, muốn chuyển giao công nghệ, bán sản phẩm, con giống cho nông dân, mình phải là người thử nghiệm đầu tiên và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những thứ mà mình đưa ra thì bà cib mới tin tưởng, ủng hộ mình. Một cách chân thành, ông nói: “Tôi là người nghiên cứu, có kiến thức chuyên môn nên việc khó mình phải làm, để cho người nông dân phần dễ”. Với ý niệm đó, chỉ sau vài năm thử nghiệm với con cá dứa, ông mạnh dạn đầu tư một hệ thống ươm hiện đại, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 3 triệu con giống.
Ông tâm sự: “10 năm trước, tôi đã đầu tư 2 tỷ đồng để nghiên cứu các quy trình sản xuất con giống ba sa. Bây giờ, thời vàng son của con ba sa đã qua, theo tôi, con cá dứa là loài cá chủ lực có thể thay cho con cá tra và ba sa trong tương lai”. Việc dịch chuyển vùng nuôi và tính tới các giải pháp xây dựng công trình và giải pháp phi công trình (con giống, kỹ thuật đào ao, thả nuôi...) để ứng phó với biến đổi khí hậu phải xem là ưu tiên hàng đầu của trong tiến trình nghiên cứu của ông hiện nay.
Hiện ông Hai Chánh sở hữu một đàn cá dứa bố mẹ với số lượng rất lớn, mỗi năm trại ươm có thể cho ra đời hàng trăm triệu con giống, đủ cung ứng cho nhiều trang trại có quy mô lớn. Theo ông, cá dứa có thể sống khỏe trong môi trường nước lợ từ 0% đến 20% mặn. Cá dứa ít bệnh tật, lượng thức ăn ít, chi phí nuôi trồng giảm, lợi nhuận lại cao.
Đầy trăn trở, ông nói: “Giờ tôi chỉ mong sao bà con nông dân và ngư dân mạnh dạn chuyển dịch vật nuôi để tạo ra nguồn thủy sản mới, kịp thời thay thế cho những giống cá hay gặp dịch bệnh. Đồng thời, đó cũng là cách góp phần giải quyết công ăn việc làm cho bà con ngư dân ở vùng biển đang càng ngày càng điêu đứng vì nạn tôm sú chết”.
Minh Nghĩa – Thu Thúy
Nói về bí quyết thành công, Hai Chánh chia sẻ: “Thật ra chẳng có bí quyết gì cả, trong kinh doanh cũng như trong nghiên cứu, giữa thành công và thất bại đôi khi chỉ cách nhau trong gang tấc. Tôi không bao giờ dám nhận mình là người thành công. Tôi chỉ là người có niềm đam mê bất tận với các loài cá mà thôi”.