Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương là hai Ban vừa được Bộ Chính trị ra quyết định thành lập. Đặc biệt, người đứng đầu ban Nội chính Trung ương là ông Nguyễn Bá Thanh và người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương là ông Vương Đình Huệ đều là những gương mặt nhận được nhiều sự ủng hộ cũng như kỳ vọng của người dân và dư luận.
Hai gương mặt đang mang nhiều kỳ vọng của người dân |
Đề xuất những định hướng lớn về xây dựng pháp luật
Theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của BCH T.Ư mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ chính. Thứ nhất là chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng; một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và phòng chống tham nhũng; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, các cơ quan có chức năng tư pháp trong Công an, Quân đội); Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ban Nội chính Trung ương được giao chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định.
Thứ hai, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ở các cơ quan nội chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao.
Thứ ba, thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ tư, tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp, bao gồm cả việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Thứ năm, Ban Nội chính sẽ thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Thứ sáu, thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Ngay sau khi có thông tin Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đà Nẵng, giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương, dư luận đã tỏ rõ sự đồng thuận và kỳ vọng vào những đột phá mà con người “dám nghĩ, dám làm” và “làm được” này sẽ triển khai ở cương vị mới.
Ông Nguyễn Bá Thanh, sinh ngày 8/4/1953, quê quán xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, là Tiến sỹ quản lý kinh tế nông nghiệp, người được coi là có công đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Đã trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng người dân nhớ nhất tới ông qua cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng với những phát ngôn ấn tượng và những việc làm quyết liệt.
Tham mưu các chính sách lớn về kinh tế - xã hội
Đối với Ban Kinh tế Trung ương, quyết định của Bộ Chính trị nêu rõ chức năng của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ban Kinh tế Trung ương được giao thực hiện 5 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế-xã hội của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội gắn với kinh tế theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia ý kiến với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan về các đề án, dự án kinh tế -xã hội lớn.
Thứ hai, thẩm định các đề án về kinh tế-xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Với nhiệm vụ này, các đề án quan trọng của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn QH trước đây trình thẳng Bộ Chính trị, Ban Bí thư giờ sẽ phải qua khâu thẩm định của Ban Kinh tế Trung ương.
Thứ ba, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế-xã hội; chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định… của BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, Ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ tư, tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ở khối các cơ quan kinh tế-xã hội theo phân công, phân cấp.
Thứ năm, thực hiện những công việc khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Quyết định của Bộ Chính trị cũng quy định mối quan hệ công tác của Ban Kinh tế Trung ương với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, là quan hệ phối hợp trong việc tham mưu, đề xuất; thẩm định đề án; triển khai thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội và để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương có quan hệ phối hợp trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội của Trung ương. Ban Kinh tế Trung ương có quyền yêu cầu các ban cán sự đảng bộ, ngành ở trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước có liên quan trong khối kinh tế - xã hội báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương có quyền cử cán bộ, chuyên viên nghiên cứu của Ban tham dự các cuộc họp để bàn triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; chủ trương công tác của các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt thuộc phạm vi được phân công về lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Theo sự phân công của Bộ Chính trị, GS. TS Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, sinh ngày 15/3/1957, quê quán Nghệ An đảm nhận cương vị Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Vương Đình Huệ cũng là gương mặt được đánh giá cao với sự tham mưu cũng như các quyết sách về tài chính, kinh tế phù hợp với tình hình Chính phủ Việt Nam phải căng mình chèo lái trước các áp lực của suy thoái kinh tế thế giới, giúp nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định.
Như vậy, với việc lập Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương, tổ chức bộ máy tham mưu cho BCH T.Ư, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm 8 cơ quan: Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Lan Phương