Đây cũng là đơn vị đầu tiên được thành lập sau gần 70 năm thành lập nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước.
Gặt hái nhiều kết quả chuyên môn đáng ghi nhận
Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của tập thể đơn vị, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức hữu quan và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, của Bộ trưởng, tập thể Lãnh đạo Bộ, công tác quản lý THPL về XLVPHC và theo dõi tình hình THPL đã từng bước được xác lập, củng cố và nâng cao vị thế trong đời sống xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn yêu cầu quản lý nhà nước về các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao phó. Cục QLXLVPHC&TDTHPL luôn được Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Lãnh đạo Bộ đánh giá là một trong những đơn vị xuất sắc, toàn diện, kỷ cương, nền nếp, hoạt động có hiệu quả với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đặc biệt được quan tâm, chú trọng thông qua việc Cục đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 03 Nghị định, ban hành 05 Thông tư theo thẩm quyền và đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số đề án, dự án, văn bản.
Cục đã tham mưu tổ chức 89 đoàn kiểm tra về công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành tại nhiều bộ, ngành, địa phương. Thông qua hoạt động kiểm tra, khảo sát, Cục đã kịp thời nắm bắt, hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật, kịp thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể, thiết thực để đảm bảo thực thi theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, Cục đã thực hiện công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ dưới nhiều hình thức khác nhau như công văn trao đổi, trả lời với các đơn vị trong và ngoài Bộ; xây dựng sách tìm hiểu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp xử lý hành chính, theo dõi thi hành pháp luật…
Hoạt động bồi dưỡng, tập huấn về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ công chức, viên chức luôn được Cục quan tâm, chú trọng. Trong khoảng thời gian 5 năm qua, Cục đã tổ chức 63 hội nghị tập huấn chuyên sâu trên phạm vi khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam với nhiều đối tượng, lĩnh vực khác nhau. Từ năm 2017 đến nay, Cục đã tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ đổi mới hình thức tổ chức lớp tập huấn theo phương thức thí điểm có thu phí đối với một số lớp chuyên sâu về pháp luật xử phạt vi phạm hành chính. Kết quả tổ chức các lớp thí điểm cho thấy đã có đông đảo học viên tại các địa phương quan tâm, đăng ký tham gia tập huấn, bước đầu khẳng định sự hiệu quả, thành công của hình thức này.
Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội
Song song với các hoạt động chuyên môn, Cục QLXLVPHC &TDTHPL cũng khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị và quan tâm, chú trọng tới hoạt động đoàn thể, xã hội; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công chức, viên chức thuộc Cục. Chi bộ Cục QLXLVPHC&TDTHPL thành lập chỉ sau 6 tháng Cục ra mắt, đã trưởng thành, lớn mạnh nhanh về số lượng và chất lượng hoạt động.
Với những thành tích đã đạt được trên các mặt công tác, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp ghi nhận, đánh giá 5 năm liền là tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Đảng ủy Bộ Tư pháp công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh và quyết định nâng cấp Chi bộ từ Chi bộ trực thuộc thành Chi bộ cơ sở; Hội đồng thi đua - khen thưởng ngành Tư pháp ghi nhận, trao tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp năm 2018 và Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra đối với Cục như nguồn nhân lực hiện nay của đơn vị còn rất hạn hẹp so với số lượng, khối lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phát sinh mới trong quá trình thực tiễn triển khai kế hoạch công tác; trình độ, năng lực của đội ngũ công chức, viên chức chưa đồng đều. Trong khi đó, công tác QLXLVPHC &TDTHPL là lĩnh vực mới, trực tiếp liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, liên tục phát sinh mới nhiều vấn đề do sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật hiện nay cũng đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong những năm tiếp theo trên cơ sở những mục tiêu, định hướng công tác nhiệm kỳ của Bộ, ngành Tư pháp.
Nhìn lại chặng đường 5 năm xây dựng và phát triển với những thành công bước đầu, Cục QLXLVPHC&TDTHPL tự hào và tin tưởng vào chặng đường tiếp theo với hy vọng ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như những yêu cầu của xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, mở ra triển vọng mới hơn với những thành tựu to lớn hơn.