Tham dự có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng đại diện lãnh đạo pháp chế các Bộ, ngành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ: Theo Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, pháp lệnh gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3777/VPCP-PL thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về việc giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, pháp lệnh gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/6/2021.
“Vì thời hạn gấp nên Bộ Tư pháp muốn nghe các ý kiến cụ thể từ các Bộ để thống nhất cách làm và có các đề xuất cụ thể”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo tại cuộc họp. |
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đề nghị rà soát, đề xuất quy định của một số luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung, thay thế theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan để trao đổi, thảo luận về một số nguyên tắc, phạm vi và cách thức xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Căn cứ chủ yếu để xác định các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung là Báo cáo số 442/BC-CP ngày 1/10/2020 của Chính phủ trình Quốc hội về kết quả rà soát VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước và Quyết định 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực và tiếp nhận các kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc từ các bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân, nếu phát hiện các luật có mâu thuẫn, chồng chéo, gây bức xúc, cản trở đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội thì có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết này.
Về nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ Tư pháp đề xuất theo hướng chỉ lựa chọn để sửa đổi, bổ sung một số quy định của một số luật có mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn. Những quy định cần phải sửa đổi, bổ sung phải đang gây khó khăn, vướng mắc thực sự cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội mà nếu không sửa kịp thời ngay sẽ khó thực hiện hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực.
Cho ý kiến về các luật đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng cần sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vì có nhiều vấn đề phát sinh các bất cập như: phát triển dự án nhà ở giá rẻ, nhà xã hội; cải tạo lại chung cư cũ; phát triển nhà ở cho công nhân…
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất sửa đổi một số luật có nhiều quy định hiện đang gây ách tắc trong đời sống sản xuất, kinh doanh. |
Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất sửa đổi một số Luật có nhiều quy định hiện đang gây ách tắc trong đời sống sản xuất, kinh doanh như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ phát biểu tại cuộc họp. |
Nhất trí với nội dung căn cứ rà soát, nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng, cần cân nhắc phạm vi rà soát xây dựng Nghị quyết, nên đưa cả luật của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 như Luật Đất đai, Luật Thuế giá trị gia tăng… đồng thời, lưu ý đến cả những luật đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đã được Thủ tướng chỉ đạo như đang còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp nhưng đang gây cản trở, vướng mắc... Ngoài ra, các Bộ, ngành cũng cần phải có những đề nghị cụ thể đề Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long nhất trí với căn cứ để xác định các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung và cho rằng cần “mềm hóa” nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị định. Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, trao đổi thêm với các Bộ, ngành để thống nhất giữa các nhóm ý kiến đề nghị các luật cần sửa đổi ngay với nhóm các ý kiến đề nghị các luật vẫn theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để sửa đổi tổng thể. Để kịp thời hạn báo cáo Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, Trong đó, Bộ trưởng lưu ý các Bộ phải chịu trách nhiệm về mặt nội dung và có báo cáo đánh giá tác động với các quy định đề xuất sửa đổi, bổ sung; nêu rõ lý do đối với các quy định không cần sửa đổi…