Ngày 27/12, Tổng cục Thống kê (TCTK - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% vượt mục tiêu 6,6 - 6,8% của Quốc hội đề ra. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Cũng theo báo cáo này, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng TCTK cho biết, tình hình lao động việc làm năm 2019 có sự chuyển biến tích cực, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng 1,4% so với tháng trước (riêng thịt lợn đã tăng 1,02%). Đây là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 3,42% do dịch tả lợn châu Phi làm nguồn cung thịt lợn giảm, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thay thế thịt lợn tăng. Tính chung quý 4/2019, CPI tăng 2,01% so với quý trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ 2018.
Như vậy, bình quân năm 2019, CPI tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, dù kết quả kiểm soát CPI năm 2019 rất tốt nhưng việc kiểm soát lạm phát năm 2020 dưới 4% (theo mục tiêu Quốc hội) sẽ gặp nhiều thách thức.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của năm 2020 dưới 4% thực sự khó khăn mà nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng chính là việc chỉ số CPI của tháng 12 đang rất cao, cao so hơn với cùng kỳ 5,12%.
Trong khi đó, nếu muốn kiểm soát lạm phát dưới 4% thì chỉ số CPI mỗi tháng của năm 2020 phải đạt dưới 0,4%. Việc đưa chỉ số đang ở mức cao về dưới 0,4% là việc cực kỳ khó khăn. Do đó, TCTK cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo cho Ban điều hành giá trong các cuộc họp gần đây.
Ngoài ra, còn phải kể đến tác động của giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới đang có chiều hướng tăng lên, diễn biến căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ tác động đến tình hình kinh tế thế giới, khiến cho thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng khá lớn, do đó, dự báo về giá cả thị trường trong năm 2020 sẽ có nhiều biến động khó lường. Bên cạnh đó, một số vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để sẽ là lực cản đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, gây khó khăn cho công tác điều hành.
Ông Lâm cho biết thêm, năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối diện với rất nhiều thách thức như chăn nuôi lợn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa thể kiểm soát; an ninh nguồn nước ảnh hưởng mạnh tới năng suất sản lượng cây trồng, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm so với năm trước.
“Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, mọi biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế trong nước, trong khi khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài của kinh tế Việt Nam còn thấp”, ông Lâm nhận định.