Phải nộp bản chính bằng tốt nghiệp đại học (ĐH), phải cam kết làm việc 10 năm, nghỉ việc thì tự đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) để lo thủ tục cho mình vì… chuyện “không giống ai” đang xảy ra tại Công ty CP Dược Hà Tây (Hà Nội).
Lý do “phong tỏa” bằng ĐH, theo anh Vương Văn Tuyến, là để "giữ chân" cán bộ làm ở lại làm việc tại doanh nghiệp này.
"Chúng tôi cầm thế thôi chứ người ta đi thì mình vẫn phải trả lại" |
“Của để dành”
Dược sĩ Nguyễn Thị N., tốt nghiệp ĐH Dược làm việc cho Dược Hà Tây từ tháng 8/2008, hợp đồng lao động 1 năm. Để được vào làm, chị N. đã phải viết một cam kết làm việc 10 năm cho công ty và nộp bằng ĐH gốc để công ty giữ. Tuy nhiên, do muốn tìm một công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn nên tháng 4/2009, chị N. đã làm đơn xin thôi việc. Ngay sau khi đồng ý cho chị N. nghỉ việc, công ty nhất quyết không trả bằng ĐH gốc cho chị, lý do là cán bộ này không thực hiện đúng cam kết nên không trả bằng. Hơn 1 năm nghỉ việc, dù đến nhiều lần, chị N... bất lực.
“Rất may tôi còn bằng đại học bản phô tô công chứng nên mới xin được một công việc tạm thời. Tôi chuẩn bị chuyển công tác đi nơi khác, tha thiết muốn lấy lại bằng và đã trình bày lý do nhưng Dược Hà Tây vẫn im lặng”, chị N. nói.
Cũng theo anh Tuyến và chị N., đến thời điểm này vẫn còn một số đồng nghiệp cũ của họ tại Dược Hà Tây chưa lấy được bằng ĐH, dù đã nghỉ việc từ lâu.
Ngoài ra, khi công ty chấm dứt hợp đồng hoặc NLĐ xin thôi việc, công ty cũng không thực hiện nghĩa vụ chốt sổ BHXH, tạo điều kiện cho NLĐ tìm công việc mới.
Đường xa, nên NLĐ phải tự làm BHXH
Trả lời phóng viên, Trưởng phòng Tổ chức- hành chính Công ty Dược Hà Tây Nguyễn Văn Minh nói rằng: “Có việc công ty giữ bằng ĐH gốc của các dược sĩ ĐH”. Ông Minh cho biết, trước khi tuyển dụng, phía công ty đã phổ biến công khai nội quy, quy định này. Người lao động đã viết cam kết làm tối thiểu 10 năm cho công ty. Nếu ai không đồng ý thì có thể quay về. Ông Minh khẳng định, tất cả các dược sĩ vào công ty đều bị giữ bằng gốc, còn cán bộ ở bộ phận khác thì không.
“Mất tiền có thể đền được nhưng mất bằng không đền được nên chúng tôi phải có trách nhiệm chứ! Chúng tôi cầm thế thôi chứ người ta đi thì mình vẫn phải trả lại”, ông Minh nói.
Về giải quyết chế độ BHXH, ông Minh cho biết: "Trước đây làm việc trực tiếp với BHXH Hà Tây thì thời gian nhanh hơn. Từ khi nhập về Hà Nội, chúng tôi phải thông qua BHXH Hà Đông, rồi BHXH Hà Đông mới làm việc với Hà Nội nên mất thời gian”. Đó là lý do người lao động phải tự làm việc với cơ quan BHXH.
Việt Hưng