Hai phiên xử của TAND TP Hà Nội đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP chứng khoán Bảo Việt đều có kết quả chung là trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì chưa đủ chứng cứ buộc tội. Trước phiên xử lần 3, luật sư đã “tố” Kiểm sát viên bỏ ra ngoài hồ sơ những chứng cứ quan trọng.
Ảnh minh họa |
Chứng cứ “có vấn đề”
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản án trong các số báo trước, hai lần TAND TP Hà Nội trả hồ sơ để CQĐT và VKSNDTC điều tra bổ sung đều tập trung vào việc làm rõ nguồn gốc số tiền mà ông Trần Minh Anh bị quy kết là chiếm đoạt của.. Cty Bảo Việt. Vì, trong hồ sơ, có nhiều tài liệu thể hiện đó là tài sản chung của ông Trần Minh Anh và vợ là bà Trần Thị Kim Ngân. Nếu không làm rõ được nguồn gốc của tài sản, có thể vụ án này sẽ là vụ án đầu tiên mà chủ sở hữu bị buộc tội vì sử dụng tài sản của chính mình.
Nhưng, các tài liệu mà CQĐT, VKS cung cấp cho tòa án lại là những chứng cứ “có vấn đề”. Theo Luật sư Trần Việt Hùng, người bào chữa cho ông Trần Minh Anh, CQĐT đã không thực hiện được việc đối chất giữa ông Trần Minh Anh, bà Trần Kim Ngân và bà Bùi Thị Minh, mặc dù tòa đã hai lần yêu cầu đối chất để làm rõ nguồn gốc số tiền.
Bên cạnh đó, CQDDT lại sử dụng những tài liệu không có giá trị pháp lý để buộc tội ông Trần Minh Anh. Đó là hai văn bản do bà Trần Kim Ngân và cháu Trần Minh Hoàng gửi cho ông Tăng Xuân Tài, cán bộ liên lạc của Bộ Công an tại CHLB Đức. Trong các văn bản này, bà Ngân và cháu Hoàng khẳng định, số tiền 176 nghìn Euro mà cháu Hoàng gửi vào tài khoản của bà Bùi Thị Minh là để trả nợ.
Nhưng, theo Luật sư Trần Việt Hùng, ông Tăng Xuân Tài không phải là điều tra viên, không được ủy thác điều tra nên không có thẩm quyền thu thập chứng cứ. Hơn nữa, các tài liệu trên không có dấu nhận công văn của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức mà chỉ có dấu của CQĐT Bộ Công an. Trong buổi làm việc giữa Luật sư và ông Trần Minh Anh, ông Trần Minh Anh khẳng định, cháu Hoàng không biết viết tiếng Việt vì sống ở Đức từ nhỏ. Vậy ai là người đã viết văn bản này?
Căn cứ vào tài liệu này, CQĐT kết luận số tiền trên là của bà Bùi Thị Minh và bà Minh đã gửi 3 tỷ 50 triệu vào tài khoản chứng khoán tại Công ty chứng khoán Bảo Việt. Theo CQĐT, việc ông Minh Anh rút tiền từ tài khoản mang tên bà Minh là chiếm đoạt tiền của bà Minh. Một kết luận quan trọng được căn cứ vào một tài liệu không đáng tin thì khó tránh được oan sai.
Làm sai lệch hồ sơ vụ án?
Không những vậy, trong một văn bản gửi VKSND tối cao, TAND TP Hà Nội, Luật sư Trần Việt Hùng cũng đề nghị làm rõ việc “mất” biên bản hỏi cung 10/12/2010 khi hồ sơ chuyển cho tòa án không có tài liệu này.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, ngày 10/12/2010, kiểm sát viên Khương Thị Minh Hằng, VKSND tối cao đã làm việc cùng ông Trần Minh Anh tại trại tạm giam T16, có mặt luật sư. Bà Hằng đã trực tiếp lấy và ghi lời khai của ông Trần Minh Anh từ khoàng 9 giờ đến 11 giờ với nhiều nội dung quan trọng. Buổi làm việc kết thúc, có ký nhận của kiểm sát viên, bị can và luật sư. Tuy nhiên, trong hồ sơ chuyển cho tòa án hiện nay, biên bản này đã không tồn tại. Luật s Trần Việt Hùng đề nghị Tòa triệu tập kiểm sát viên đến tòa trong phiên tòa ngày 22/7 tới đây để làm rõ sự “mất tích” của tài liệu này.
Không chỉ có vậy, sau khi hết hạn điều tra bổ sung với nhiều yêu cầu không được đáp ứng, VKSND tối cao vẫn ra cáo trạng trong đó có nhiều điểm “bóp méo” hồ sơ vụ việc. Điển hình là việc xác định số tiền 1,5 tỷ đồng của Công ty chứng khoán Bảo Việt nộp để khắc phục hậu quả. Số tiền này do đại diện Công ty chứng khoán Bảo Việt nộp cho CQĐT, có chứng từ làm bằng chứng. Nhưng, CQĐT và VKSND tối cao lại cho là đó không phải do Công ty chứng khoán Bảo Việt nộp mà do 3 nhân viên Trần Thu Quỳnh, Phạm Bích Vân, Vũ Cao Nguyên nộp.
Mặc dù tại phiên tòa ngày 09/3, có sự chứng kiến của đông đảo báo giới, luật sư và những người dự khán, những nhân viên này đều khẳng định họ không nộp, đó là do “chủ chương của Công ty, bản thân họ không biết. Nhưng, trong bản cáo trạng ngày 27/5/2011, VKSND tối cao tiếp tục khẳng định số tiền 1,5 tỷ là của 3 nhân viên này, không phải do Công ty nộp.
Việc lấy tiền mà Công ty chứng khoán Bảo Việt “cho” ba nhân viên của Công ty này là cách để CQĐT, VKS “giải quyết hậu quả” của việc thu tiền khắc phục hậu quả của Công ty Bảo Việt một cách trái pháp luật, cũng như tạo cớ cho việc đình chỉ điều tra một cách không bình thường, không đúng pháp luật đối với nhân viên của Công ty chứng khoán Bảo Việt. Bản thân Công ty này thì tránh được tiếng “bị hại phải khắc phục hậu quả” một cách ngược đời. Đây cũng là một việc làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Vụ án mà bị cáo kêu oan ngay từ khi khởi tố, công luận cũng đã lên tiếng phản ánh đây là một vụ lạm quyền trong tố tụng hình sự, ngày càng lộ ra những sai phạm nghiêm trọng. “Gánh nặng” giờ đây chuyển cho tòa án TP Hà Nội. Tòa sẽ vạch mặt oan sai hay chấp nhận “giải quyết hậu quả” sẽ được làm rõ trong phiên tòa ngày 22/7.
Bình Minh