Tình hình tháng 7 tốt hơn tháng trước
Theo báo cáo tại cuộc họp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 nhìn chung tốt hơn tháng trước. Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, TP cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch nội địa tháng 7 có xu hướng tăng trở lại... Ước tính tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tháng 7/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7 ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài.
Dù vậy nhưng chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước.
Làm đúng quy định của pháp luật về số liệu thống kê
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tăng trưởng ở mức có thể và yêu cầu phải tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, cần phải làm tốt hơn nữa chính sách tiền tệ, tài khóa, đó là tiếp tục nới lỏng có kiểm soát; thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa.
Theo Thủ tướng, chính sách tiền tệ phải tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu không chỉ giải ngân vốn đầu tư công mà thúc đẩy cả vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân ở Việt Nam; kiểm soát lạm phát dưới mức 4%; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chính sách, bảo đảm chủ động, tích cực, hiệu quả hơn nữa đối với 3 trục là đầu tư (cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI), tiêu dùng và xuất khẩu để kích thích tổng cầu.
Với các hiệp định tự do thương mại mới như EVFTA, CPTPP, cần tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu, làm tốt dịch vụ logistics, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh tổng cầu nội địa với giải pháp đa dạng; không để thiếu thốn hàng hóa nhu yếu phẩm đối với mọi vùng miền, nhất là nơi có dịch.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ chức năng đều phải có kịch bản tăng trưởng phù hợp và phải chuẩn bị phương án kinh tế thời gian tới, đồng thời phải phối hợp tốt hơn nữa trong công tác thống kê, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế để làm sao con số thực của nền kinh tế được phản ánh.
Về số liệu xuất nhập khẩu, Thủ tướng nhấn mạnh đây là kênh quan trọng đối với tăng trưởng, là một trong “cỗ xe tam mã” kéo nền kinh tế. Chỉ ra rằng số liệu xuất nhập khẩu thường chậm, nhiều trường hợp chênh lệch số liệu xuất khẩu đến hàng tỷ USD do nguyên nhân là ước số liệu 10-15 ngày cuối tháng, Thủ tướng đánh giá sự phối hợp trong vấn đề này chưa tốt và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê phải rà soát lại, làm việc trực tiếp với nhau vào thời điểm cuối tháng để thống nhất số liệu trước khi công bố, không để chênh lệch quá lớn như hiện nay.
Thủ tướng cũng nêu thực tế số liệu về tiền tệ, tín dụng và ngân sách Nhà nước cập nhật còn chậm, chênh lệch và yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo bổ sung, cập nhật số liệu để chính xác hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê phải làm việc trực tiếp với các bộ, ngành vào ngày cuối tháng để thống nhất số liệu trước khi Tổng cục Thống kê công bố hàng tháng.
Về số liệu phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực, Thủ tướng cho biết, theo báo cáo của một số Bộ trưởng, số liệu hàng tháng trong nhiều trường hợp chưa phản ánh sát thực tế từng ngành, từng lĩnh vực.
Nhấn mạnh hơn ai hết, ngành Thống kê, ngành Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động hơn về số liệu, có số liệu chính xác và kịp thời vì số liệu này rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong điều hành kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cập nhật thường xuyên, chính xác, không “tô hồng” nhưng không được “bôi đen”, không bỏ sót và làm đúng quy định pháp luật.
Trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, Bộ cũng như Tổng cục Thống kê phải làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan để rà soát kỹ từng số liệu, phương pháp thống kê, thời điểm cung cấp số liệu, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III, cả năm 2020 và 2021; tính toán cụ thể việc hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động.
Thu ngân sách nội địa 7 tháng đầu năm thấp
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách nhà nước lũy kế 7 tháng do cơ quan thuế quản lý ước đạt 666.080 tỷ đồng, bằng 53,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt thấp nhất so với thu của một số năm gần đây cả về tiến độ và tốc độ.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, uớc thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 7/2020 do ngành Thuế quản lý đạt 91.600 tỷ đồng, bằng 7,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 70,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ dầu thô chỉ bằng 36% cùng kỳ; Thu nội địa ước đạt 71,5% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 71,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2020 chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh trong đó có hoạt động giãn cách xã hội trong tháng 4/2020... Từ tháng 5, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế đã từng bước được mở cửa trở lại tuy nhiên mức độ phục hồi còn rất chậm.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh, hỗ trợ người nộp thuế gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) thu nhập doanh nghiệp (TNDN), từ tháng 3 đến tháng 6/2020, thuế TNDN phải nộp sau quyết toán năm 2019 và thuế TNDN tạm nộp quý I và quý II/2020 và tiền thuê đất đối với các nhóm ngành, nhóm DN chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị định 41/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách trong 7 tháng đầu năm, đặc biệt là từ tháng 4 đến nay.
Về tổng thể, kết quả thu ngân sách do cơ quan thuế (CQT) quản lý 7 tháng năm 2020 đạt thấp nhất so với thu của một số năm gần đây cả về tiến độ và tốc độ. Đặc biệt, diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4 trở đi. Trong đó, tiến độ thu khá tập trung tại một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019 nhưng theo quy định các DN kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, với những tác động giảm thu từ chính sách và tình hình dịch bệnh phức tạp, thu NSNN do CQT quản lý mặc dù không có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 91,5%) song để có được kết quả đó là do CQT các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu.Tô My