Sáng nay (2/2), Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 nhằm quán triệt và triển khai thi hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, kế hoạch triển khai, các thông báo, hướng dẫn về công tác bầu cử.
Đồng thời, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị còn “quán triệt tinh thần đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”.
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong năm 2016.
Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với thành công đại hội đảng bộ các cấp và đặc biệt là thành công rực rỡ Đại hội XII của Đảng, cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
“Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” – Tổng Bí thư nhận định.
Các ĐB tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 |
Tổng Bí thư yêu cầu, ngay sau Hội nghị, các cấp uỷ, các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và thực hiện tốt nhất phương hướng, nhiệm vụ của cuộc bầu cử, để cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt kết quả tốt nhất và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
Ông Phạm Minh Chính – Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ cho biết, theo hướng dẫn công tác nhân sự ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, không giới thiệu những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; vi phạm Quy định 57/QĐ-TW (ngày 3/7/2007) của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề chính trị chưa được kết luận.
Theo Kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia về triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm vụ 2016-2021, tổng số ĐBQH không qúa 500 ĐB, UBTVQH dự kiến số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi tỉnh, TP trực thuộc TƯ căn cứ vào: mỗi tỉnh, TP trực thuộc TƯ có ít nhất 3 ĐBQH làm việc tại địa phương.
Số lượng ĐB tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương; bảo đảm trong tổng số danh sách chính thức những người ứng cử có ít nhất 18% người dân tộc thiểu số, 35% là nữ.
Số lượng ĐB HĐND được thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương và hướng dẫn tại Nghị quyết 1132/NQ-UBTVQH 13. Chậm nhất ngày 2/3 công bố danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng ĐBQH, ĐB HĐND được được ở mỗi đơn vị bầu cử.
Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người ứng cử ở đơn vị bào thì thực hiện vận động bầu cử ở đơn vị đó. Thời gian vận động được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ.
Ủy ban bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐB HĐND cùng cấp chậm nhất ngày 1/6 và Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH chậm nhất ngày 11/6.