Chuỗi hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 bắt đầu với Hội nghị tổng kết các Quan chức cao cấp APEC (CSOM) do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn chủ trì và kéo dài đến ngày 7/11. Phát biểu với báo chí tuần qua, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết so với lần đầu tiên Việt Nam đăng cai APEC vào năm 2006, lần này, môi trường quốc tế, khu vực có thay đổi. “Thế và lực Việt Nam cũng đã khác trước rất nhiều”, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị APEC lần này với kỳ vọng đạt được một số mục tiêu. Thứ nhất, Việt Nam khẳng định tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao đa phương. Thứ hai, trong vai trò chủ nhà, Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển, hợp tác trong APEC, liên kết trong thương mại và đầu tư trong khuôn khổ APEC, đảm bảo đây là diễn đàn hàng đầu của khu vực trong phát triển và thịnh vượng của các nền kinh tế. “Qua Hội nghị này, chúng tôi cũng muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh chung về một Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng và thân thiện với bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, sự kiện đỉnh cao của Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 do Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang chủ trì diễn ra vào ngày 11/11. Theo tiết lộ của Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017, chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
APEC thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia. Đây là Diễn đàn hợp tác về kinh tế, hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Mục tiêu của APEC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế kỹ thuật và đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Từ 12 thành viên sáng lập, sau 4 lần mở rộng, đến nay APEC có 21 thành viên, trong đó có 9 thành viên của nhóm G20, chiếm khoảng 39% dân số, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu. APEC đã 2 lần quyết định tạm ngừng kết nạp thành viên mới và hiện tiếp tục tạm ngừng kết nạp thành viên. APEC đã trải qua 24 kỳ Hội nghị cấp cao.