Bìa của loạt truyện tranh phổ biến kiến thức pháp luật. |
Từ thơ luật...
Biết luật pháp cứng, khô, khó tiếp thu, khó làm theo nên các nhà làm và thực thi luật đã nghĩ ra muôn ngàn cách để tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Bằng chứng là các cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi và ngày hội tuyên truyền phổ biến pháp luật diễn ra liên tục tại nhiều nơi. Rồi tờ rơi, tờ bướm giới thiệu các điều luật được trình bày với hình thức rất bắt mắt, rất thu hút... Nhưng ngạn ngữ xưa có câu “thế gian rộng vô cùng, không có gì là không thể có” nên việc phổ biến luật cũng không ngoại lệ. Câu chuyện tuyên truyền luật bằng thơ của một công dân ở thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng đã chứng minh điều đó.
Bắt nguồn từ việc gieo vần thơ cho những nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ người cao tuổi, ông Ngô Xuân Cảnh đã quyết định chuyển hướng “tài năng thơ ca” của mình sang việc diễn ca luật. Thơ luật của ông Cảnh không những tóm tắt rất ngắn gọn những nội dung cơ bản của từng điều luật mà còn dễ đọc, dễ nhớ.
Đơn cử như tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, ông Cảnh viết: “Tan trường hàng bốn hàng năm/ Ô tô, xe máy cứ lăn bánh đều/ Bá vai, vịn cổ, chọc trêu/ Dân lành biết vậy vẫn liều mà đi/ Biết đâu tai nạn bất kỳ/ Phút giây hiểm họa rồi thì xảy ra”; hay tuyên truyền quy định của Bộ Luật hình sự về các tội danh ma túy “Chương 8 quy định rõ ràng/ Tội danh ma túy chớ mang vào mình? Mười điều ba án tử hình/ Phạt đau, tài sản gia đình tịch thu/ Nhẹ ra cũng bảy năm tù/ Nặng hơn hai chục hoặc tù chung thân”...
Không chỉ người dân nhớ và đọc vanh vách mà ngay chính ngành Tư pháp Lâm Đồng cũng đã không ít lần dùng thơ luật của ông Cảnh để tuyên truyền pháp luật. Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện cũng luôn có tên ông Cảnh trong danh sách nhất, nhì nhờ cũng nhờ những vần thơ luật này.
Cho đến truyện tranh luật
Mới đây, 5 tập truyện tranh bản quyền (gồm Quyền tác giả, quyền liên quan; Quyền của người biểu diễn; Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm; Quyền của tổ chức phát sóng và Trong môi trường kỹ thuật số) đã được Cục Bản quyền tác giả và NXB Phương Đông hợp tác phát hành. 5 tập truyện tranh này nhằm phổ biến kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan cho học sinh từ lớp 3 trở lên thông qua nhân vật “Tiến sĩ chú Tễu” giải đáp các thắc mắc về Luật Bản quyền.
Lý giải về sự ra đời của một hình thức tuyên truyền pháp luật rất mới này, TS.Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: “Chúng tôi hướng đến đối tượng độc giả nhỏ tuổi, những người sẽ trở thành chủ nhân đất nước trong khoảng 20 năm tới. Nếu các bạn nhỏ có ý thức về Luật Bản quyền ngay từ bây giờ, thì sau này việc thực thi luật này sẽ dễ dàng hơn”. Cũng vì thế nên tất cả 5 tập truyện tranh bản quyền, mỗi tập in 10 ngàn bản, sẽ được phát miễn phí đến các thư viện thuộc hệ thống Nhà nước cấp quận, huyện.
Cách để thay đổi
Như vậy, qua hai ví dụ trên thì thấy cái “định kiến” xưa nay rằng “phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả - nói dễ làm khó” không phải là bất di bất dịch và hoàn toàn có thể thay đổi được nếu biết cách.
Nhưng “cách” như thế nào cho tổng quát, cho áp dụng được đại trà thì còn phải nghĩ, bởi xỏ “đôi giày” văn hóa cũng chỉ là một phương án mà thôi. Thế nên ông Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng mới đặt câu hỏi trong buổi họp của UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật mới đây rằng: “Tôi thấy rằng việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân là việc làm vẫn rất cần thiết của mỗi quốc gia, kể cả những quốc gia tiên tiến nhất, nhưng bằng cách nào để làm được việc này, đây chính là câu hỏi cần phải trả lời”.
Hồng Minh