Những kết quả không ngờ
Vừa qua, trong khuôn khổ Sự kiện Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến HCM 2023, TP HCM đã mời 100 KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) livestream bán hàng cùng tiểu thương chợ Bến Thành từ ngày 14 - 16/12/2023.
Trước khi chính thức diễn ra livestream, đội ngũ TikTok Shop cùng với 40 sinh viên từ các trường đại học tại TP HCM đã đến tại chợ Bến Thành hướng dẫn bà con tiểu thương cách bán hàng online. Bà con tiểu thương đã được hướng dẫn cách đăng ký mở gian hàng trên nền tảng TikTok và cách thức bán hàng qua hình thức livestream và video ngắn, cách tương tác, chốt đơn với khách hàng... Nhiều tiểu thương dù lớn tuổi nhưng vẫn rất tích cực học hỏi, mong muốn được thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu.
Thống kê của nền tảng TikTok cho thấy, trong 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành trong 5 ngày (từ ngày 11/12 đến tối 15/12/2023), đã có hơn 18.200 đơn hàng được bán, mang về doanh thu 4,2 tỉ đồng. Nhiều quầy hàng của các tiểu thương, đặc biệt là sản phẩm nông sản, đồ ăn vặt đã “cháy hàng” sau vài phiên livestream. Hashtag #chobenthanh của chiến dịch đã có 122 video được đăng, tăng trưởng 100 triệu lượt view trong 3 ngày. Hashtag #hochiminhcity trong 5 ngày đã có 626 video được đăng tải đến từ 491 nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng chương trình, tiếp cận gần 189 triệu view, 470.000 lượt like và hơn 22.000 lượt chia sẻ.
Sau khi sự kiện livestream diễn ra, bà con tiểu thương chợ Bến Thành cho hay, việc kinh doanh cho thấy sự khởi sắc so với thời điểm trước đó, nhiều tiểu thương sau chương trình đã nhờ người thân, con cháu tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ để tiếp tục bán hàng theo hình thức livestream trên mạng. Một số tiểu thương còn đặt vấn đề hợp tác với Tiktoker có lượng theo dõi cao để cùng nhau kinh doanh.
Mới đây, thêm một chương trình hỗ trợ người dân “lên mạng kinh doanh” được TP HCM tổ chức. Đó là việc các TikToker đã có chuyến tham quan, trải nghiệm làng hoa Chợ Lách, Bến Tre để hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm trước tết, trong khuôn khổ sự kiện “Ngày hội mua sắm Tết trực tuyến TP HCM - Ấn tượng Thủ Thiêm” diễn ra từ ngày 25 - 28/1/2024 do UBND TP HCM chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM phối hợp cùng TikTok Việt Nam tổ chức. Sự kiện nhằm mục đích đưa các nhà sáng tạo nội dung giúp người nông dân quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trên nền tảng số, kích cầu và thay đổi thói quen tiếp cận khách hàng.
Giúp tiểu thương, nông dân vượt qua “rào cản”
Không chỉ sau chương trình livestream tại chợ Bến Thành, tiểu thương tại các chợ mới bắt đầu nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm lên mạng để kinh doanh. Những năm qua, việc kinh doanh ở chợ truyền thống bắt đầu giảm sút, nhiều tiểu thương cho biết, doanh thu chỉ còn 50% so với thời điểm 4 - 5 năm trước đây. Một số tiểu thương nhạy bén cũng bắt đầu tìm cách chuyển đổi số. Tại hầu hết các chợ như chợ Tân Bình, chợ Phạm Văn Hai, chợ Gò Vấp, chợ An Sương... đều có một số tiểu thương kinh doanh qua nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook. Chị Nguyễn Như Thảo, kinh doanh các món ăn vặt khô ở khu vực chợ Gò Vấp cho biết, sau một thời gian doanh thu bán tại chỗ giảm sút, chị nhờ con gái mở kênh TikTok và đưa sản phẩm lên một số sàn thương mại điện tử. Hiện nay, doanh thu bán hàng của chị gấp đôi thời gian trước khi lên mạng.
Cạnh đó, nhiều người nông dân nhạy bén cũng đã thiết lập hệ thống bán hàng trên mạng từ nhiều năm nay, đưa nông sản trực tiếp bán đến tay người tiêu dùng, đạt được doanh thu khả quan. Như trường hợp của anh Lê Minh Đạt, nông dân ở Đức Trọng, Lâm Đồng. Có 3ha trồng rau, 2ha trồng sầu riêng, anh Đạt đã mở shop bán hàng trên Tiktok và Facebook để hàng ngày bán combo rau củ sạch cho khách tại TP HCM và các địa phương lân cận. Đồng thời, đến mua sầu riêng, anh cũng livestream bán sỉ, lẻ sầu riêng, có thời điểm một ngày bán hàng trăm kí sầu riêng qua mạng.
Nhờ mạng xã hội, một số tiểu thương bán chạy hàng hơn, việc kinh doanh ổn hơn trước, nhưng cũng có nhiều tiểu thương loay hoay mãi mà vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Lý do là mặc dù biết “lên mạng” kinh doanh là xu thế của thời đại, nhưng bà con tiểu thương vẫn chưa tìm được cách kinh doanh qua mạng sao cho hợp với xu thế, tiếp cận được với khách hàng. Nhiều tiểu thương lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ kém, không biết cách giao tiếp online cũng là một hạn chế.
Chính vì vậy, rất cần có những hội đoàn, tổ chức triển khai rộng rãi các chương trình hỗ trợ tiểu thương, nông dân lên mạng. Đồng thời, không chỉ hướng dẫn bước đầu để thay đổi tư duy mà còn phải làm sao hỗ trợ kĩ năng, giúp người dân hiểu, nắm cách thức vận hành, kinh doanh trên mạng để đi được đường dài.