Ảnh minh họa |
Từ việc ban hành văn bản…
Ngày 22/7/2010, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2010-2015 với một loạt các mục tiêu cụ thể. Điển hình như hết năm 2015 100% đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp được tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên, đảm bảo hoạt động mang tính chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn pháp lý đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; từ 90% trở lên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể cấp xã, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hoà giải, Tổ trưởng Tổ liên gia được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; từ 80% trở lên nhân dân được phổ biến, giáo dục pháp luật; từ 95% trở lên người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên được phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
100% cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân được trang bị kiến thức pháp luật theo lĩnh vực hoạt động chuyên ngành và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của mình; đầu tư xây dựng Tủ sách pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, trường học, doanh nghiệp, ở các thôn, tổ dân phố để phục vụ cán bộ, học sinh và nhân dân…
Ngân sách tỉnh cấp kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mỗi năm khoảng 7,85 tỷ đồng. Trên cơ sở kế hoạch thực hiện Nghị quyết của UBND tỉnh, 17 sở, ban, ngành, đoàn thể đã xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị mình. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch và Quyết định công nhận, cấp thẻ cho 300 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.
Đến kết quả đạt được
Với mục đích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua xét xử lưu động, nhằm giáo dục mọi công dân tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa phạm tội mới Toà án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng Kế hoạch liên tịch triển khai thực hiện Nghị quyết 07 về PBGDPL thông qua công tác xét xử lưu động. Kết quả đã đưa ra xét xử lưu động 40 vụ án hình sự sơ thẩm đạt tỷ lệ 19%, gồm các loại tội: tội mua bán trái phép chất ma tuý, tội giết người, buôn bán hàng cấm, tổ chức đánh bạc…
Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã xây dựng và phát hành gần 42.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về điện, giao thông đường bộ, pháp luật về bầu cử đến cán bộ và nhân dân ở cơ sở;pPhối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc mở chuyên mục, chuyên trang“ Giới thiệu văn bản pháp luật”, triển khai được hơn 100 chuyên mục. 35 cơ quan, đơn vị được hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện việc PBGDPL trong đơn vị mình, 70 cơ quan được hỗ trợ sách, báo pháp luật; 137 xã, phường, thị trấn; 1.400 thôn/tổ dân phố được trang bị sách, báo pháp luật.
207 lớp tập huấn pháp luật/137 xã, phường, thị trấn về giao thông, phòng chống HIV/AIDS, tham nhũng, đất đai, khiếu nại, tố cáo, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; quy chế dân chủ ở cơ sở, nghiệp vụ hoà giải cơ sở được tổ chức với 32.000 người tham gia. Hình thức PBGDPL thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia, tại các hội nghị tập huấn cán bộ ở cơ sở hiểu rõ hơn về các chính sách pháp luật mới của tỉnh và trung ương….
Kim Yến