Bộ Nội vụ cũng là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ tập hợp báo cáo việc thực hiện các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và người có công của các ban, bộ, ngành, địa phương để dự thảo báo cáo trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trước khi Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương lần thứ 7 sắp tới.
Các ý kiến từ lãnh đạo Bộ Nội vụ, đoàn công tác và các chuyên gia đều cho rằng chính sách tiền lương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang còn rất nhiều bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn, không trở thành động lực cho hoạt động công vụ hay cung cấp dịch vụ công.
Đoàn khảo sát cũng đặt ra các vấn đề về thực trạng, cơ sở khoa học của mức lương cơ sở, việc căn cứ vào mức lương cơ sở để xây dựng các quy định về lương hưu, phụ cấp, mức thưởng, thang- bảng lương... trong hệ thống hành chính Nhà nước. Những quy định này đang tạo ra “méo mó” trong tổ chức, quản lý chính sách tiền lương hiện nay.
Để hoàn thành dự thảo báo cáo trình Ban Chỉ đạo vào cuối tháng 11/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nội vụ chắt lọc các báo cáo, ý kiến, kiến nghị của hơn 250 đầu mối các địa phương, bộ, ban, ngành, đơn vị, các chuyên gia và phân loại các vấn đề; tổ chức phản biện bằng các luận cứ khoa học, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác.
Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quan điểm tiền lương cho khối công vụ phải bảo đảm công bằng, tương ứng với vai trò của chức danh, vị trí việc làm; bảo đảm yếu tố thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phân biệt tiền lương với bảo trợ xã hội và trợ cấp xã hội nhưng phải bảo đảm mối quan hệ hài hoà giữa các yếu tố này...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trong xây dựng Đề án Cải cách tiền lương, không đặt nặng vấn đề nguồn bố trí chi trả lương khi thực hiện mà quan trọng nhất là làm rõ thực trạng, bất cập, nêu rõ các mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chung nhất để tổ chức triển khai trong thực tiễn.