Khám phá vẻ đẹp bất ngờ trong môn thể thao Kyudo - Cung đạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ một kỹ năng quan trọng đối với samurai, ngày nay, Kyudo hay Cung đạo đã trở thành một bộ môn rèn luyện thể chất và tinh thần được yêu thích.

Không phải là một bộ môn “qua quýt, hời hợt”

Đến với Cung đạo Nhật Bản, người mới bắt đầu có thể ngạc nhiên bởi những nghi thức, quy tắc trước khi có thể cầm cung lên và bắn mũi tên đi. So với bắn cung thể thao hiện đại hay các trường phái cung thuật châu Á khác, Kyudo sở hữu cho mình bộ quy tắc kỹ thuật, lễ nghi có hệ thống nghiêm ngặt mà cung thủ cần thực hành chăm chỉ để có thể thành thục chúng.

Các thành viên mới sẽ được luyện tập với lưới và tên có mũi cao su để đảm bảo kỹ thuật trước khi có thể ngắm bắn với bia
Các thành viên mới sẽ được luyện tập với lưới và tên có mũi cao su để đảm bảo kỹ thuật trước khi có thể ngắm bắn với bia

Với kinh nghiệm luyện tập Kyudo 7 năm dày dặn kèm thêm các trải nghiệm những trường phái cung thuật khác như cung thể thao hiện đại hay cung thuật truyền thống Việt Nam, anh Lê Minh Tuấn chủ tịch đương nhiệm Hanoi Kyudo Club nhận định: “Đối với các trường phái cung thuật khác, cung thủ tập 1-2 năm là có thể bắn trúng bia để đạt điểm cao nhất. Trong khi đó đối với Kyudo, sau 1-2 năm cung thủ sẽ đạt đến giới hạn, một mức độ nào đó để bắn trúng nhưng để bứt phá qua giới hạn đó, chạm tới các giá trị rèn luyện về tinh thần thì rất khó. Đó là sự tinh tế, sâu sắc khi luyện tập Kyudo trong thời gian dài.”

Khi đến với Kyudo và quyết định gắn bó với nó, cung thủ phải xác định rằng đây là một bộ môn đòi hỏi nhiều công sức luyện tập và sự kiên nhẫn không thể qua quýt, hời hợt, bởi: “Đặc thù của Kyudo hơi khó một chút, do vậy các cung thủ không thể đạt được trình độ hoàn hảo ngay lập tức được mà phải từ từ tích lũy. Dần dần cung thủ sẽ cảm thấy bản thân tiến bộ hơn cả về nghi lễ và các kỹ thuật.”, anh Tuấn giải thích.

Trước khi có thể ngắm bắn với bia, các cung thủ Kyudo phải trải qua quá trình luyện tập kỹ thuật nghiêm ngặt và kỷ luật
Trước khi có thể ngắm bắn với bia, các cung thủ Kyudo phải trải qua quá trình luyện tập kỹ thuật nghiêm ngặt và kỷ luật

Ngoài nắm vững kỹ thuật tốt, các cung thủ Kyudo còn phải rèn luyện tinh thần và tâm lý tốt. Kyudo mang tính chất của “thiền”, có sự sâu sắc, trầm lắng do vậy Cung đạo Nhật Bản cũng đòi hỏi người theo đuổi có tâm lý luôn trong trạng thái ổn định, vững vàng. Chủ nhiệm Hanoi Kyudo Club bình luận: “Thực ra, ai cũng có thể tập được Cung đạo, nhưng tính chất của Kyudo là trầm lặng, sự tiến bộ của nó không rõ rệt và không nhanh chóng như các trường phái cung khác. Theo tôi, cung thủ đa phần phải có tính cách nhất định, đặc biệt là kiên trì thì mới có thể tập được Kyudo lâu dài.”

Cung đạo Nhật Bản một môn không thể vội vàng, cần có sự kiên trì học hỏi để rút kinh nghiệm và tích lũy dần dần
Cung đạo Nhật Bản một môn không thể vội vàng, cần có sự kiên trì học hỏi để rút kinh nghiệm và tích lũy dần dần

Sự thật, bắn trúng mục tiêu đúng kỹ thuật là điều quan trọng, nhưng quan trọng nhất là phải rèn luyện được tinh thần ổn định. Trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật, nếu cung thủ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài và kết quả của cung thủ khác thì sẽ xem như họ chưa thực hiện đúng ý nghĩa của Kyudo.

Để tránh điều này, người luyện tập Kyudo cần kiên trì tập luyện nhiều lần để nắm chắc kỹ thuật. Thêm vào đó, cung thủ cần quên đi các giác quan và tập trung vào nội tại bản thân. Nếu qua quýt trong việc nắm chắc các kỹ thuật và ổn định tinh thần, cung thủ có thể sẽ bỏ lỡ việc thực hiện một quá trình ngắm bắn đúng và đẹp. Đó chính là tính "thiền" trong Kyudo.

Từ các yếu tố trên, có thể nhận thấy rằng Kyudo là bộ môn không nên chọn gắn bó nếu người cầm cung là một người thiếu kiên nhẫn và dễ mất tập trung.

Vẻ đẹp của Chân - Thiện - Mỹ trong Kyudo

Đặt vào thời điểm hiện tại, trên một vài khía cạnh thì Kyudo cũng được xem như một môn thể thao, có đối thủ, có thắng bại nhưng bắn trúng bia và chiến thắng không thật sự là trọng tâm. Đối với cung thủ Kyudo, bắn tên là cảm nhận vẻ đẹp của “Chân - Thiện - Mỹ” (Shin- Zen- Bi).

“Kyudo có quan niệm rất hay về mũi tên đó là “mũi tên luôn trúng cái bia của chính nó”. Trong lúc ta luyện tập là ta đang ngắm một “cái bia” không phải cái bia thực thể mà mắt ta nhìn thấy, mà ta ngắm đến cái bia “sự thật” - “Shin”. Khi cung thủ luyện tập đủ về cả kỹ thuật và tinh thần thì hai cái bia đó sẽ càng gần nhau”, theo anh Minh Tuấn, tấm bia để ngắm bắn trong Kyudo là một “tấm bia giả”, chỉ khi cung thủ rèn luyện tốt cả về chất và tinh thần thì “tấm bia thực sự” sẽ hiện ra.

Đối với cung thủ Kyudo, bắn tên là cảm nhận vẻ đẹp của “Chân - Thiện - Mỹ” (Shin- Zen- Bi)
Đối với cung thủ Kyudo, bắn tên là cảm nhận vẻ đẹp của “Chân - Thiện - Mỹ” (Shin- Zen- Bi)

Có thể thấy cái đích mà các cung thủ Kyudo hướng đến là thông qua quá trình thực hiện các động tác, học hỏi để rút kinh nghiệm từ đó hoàn thiện bản ngã của bản thân hay được gói gọn trong ba chữ: “Chân - Thiện - Mỹ” - trình độ cao nhất trong Cung đạo Nhật Bản. “Chân” trong “chân lý, sự thật”, “Thiện” trong “hiền hoà, thiện tâm” và “Mỹ” - “cái đẹp”.

Nói về cái đẹp trong Cung đạo, Chủ nhiệm Hanoi Kyudo Club nhận định Kyudo là một bộ môn đồng đội hướng đến tôn trọng người xem, có tính chất trình diễn và hướng tới cái đẹp:“ Các cung thủ tập càng nhiều thì các động tác của họ sẽ càng mượt mà và càng đồng bộ hơn với nhịp thở, đồng bộ với những người xung quanh bởi Kyudo không phải môn tập một mình. Luyện tập với nhau càng nhiều thì sẽ càng đẹp và sẽ còn có thể lên đẳng cao hơn.”

Kyudo là môn tập đồng đội. Các cung thủ sẽ tập luyện với nhau nhóm từ 3 đến 5 người
Kyudo là môn tập đồng đội. Các cung thủ sẽ tập luyện với nhau nhóm từ 3 đến 5 người

Từng động tác, bước đi nhẹ nhàng mà dứt khoát, chậm rãi mà duyên dáng, kết hợp với cung tên tạo nên một hình thể đẹp đến mức khó rời mắt. Và khi các cung thủ thực hiện được một động tác đẹp, đúng kỹ thuật cũng chính là lúc họ chạm đến “Shin” (sự thật) đồng thời chính là “Bi” (cái đẹp). Điều này đã tạo nên nét đẹp độc đáo cũng đầy tính triết lý trong Cung đạo Nhật Bản đối với cả về phần cung thủ và khán giả.

Có thể nói giá trị của Kyudo không chỉ đơn giản dừng lại là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần mà nó còn nằm ở “vẻ đẹp trong cốt cách người cầm cung”.

Cung đạo tưởng quen thuộc nhưng cũng thật lạ lẫm. Khi mới tiếp cận, khán giả có thể bị thu hút ngay bởi vẻ đẹp từ những nghi lễ hay phong thái của các cung thủ Kyudo nhưng khi chính thức bước vào luyện tập có lẽ một vài cá nhân sẽ không tránh khỏi những suy nghĩ hoài nghi khi luôn phải lặp đi lặp lại để nắm thật chắc những động tác, lễ nghi mà Kyudo đặt ra trước khi có thể cầm cung lên và ngắm bắn bia.

Tuy nhiên để có thể cảm nhận được vẻ đẹp triết lý tiềm ẩn trong Kyudo thì kiên trì luyện tập là việc làm xứng đáng.

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.