Một tài sản được bán cho nhiều người và được cơ quan chức năng cấp giấy tờ mà không phát hiện ra “vấn đề” gì, đến khi chủ sở hữu làm thủ tục pháp lý mới “té ngửa” tài sản của mình đã có chủ đứng tên. Đó là trường hợp của hai cô cháu bà Lưu Thị Mỹ Linh và Lưu Kim Ngọc, trú quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Cán bộ tư pháp phường tư vấn cho người dân khiếu nại, tranh chấp qua sách pháp luật. Ảnh minh họa |
Năm 2003, bà Linh mua của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Đoàn Thị Hai 308,5m2 đất ở thuộc thửa 41, tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại 558/15/8 Bình Quới, phường 28, Bình Thạnh với giá 600.000 đồng/m2. Đến ngày 14/5/2006, ông Hoàng, bà Hai tiếp tục chuyển nhượng cho bà Linh 506m2 đất cũng thuộc thửa 41, tờ bản đồ số 3 với giá 550.000 đồng/m2. Cả hai lần chuyển nhượng bà Linh đều thanh toán đầy đủ và được vợ chồng ông Hoàng đứng ra đo đạc, bàn giao đất trên thực địa. Tuy nhiên, do thời điểm đó, chính quyền địa phương chưa cho tách thửa nên bà Linh không làm thủ tục tách thửa được.
Ngày 30/1/2007, bà Linh giới thiệu cho cô ruột là bà Lưu Kim Ngọc đến gặp vợ chồng ông Hoàng mua thêm 104m2 đất ở (cũng thuộc thửa 41, tờ bản đồ số 3) với giá 1.500.000 đồng/m2. Bà Ngọc cũng thanh toán đầy đủ tiền và được ông Hoàng, bà Hai giao đất trên thực địa. Tin tưởng đất đã thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, bà Linh, bà Ngọc lên kế hoạch xây dựng nhà thì mới vỡ lẽ khi UBND phường 28 thông báo tin đất của hai bà đã bị vợ chồng bà Hai bán cho người khác. Tranh chấp xảy ra, hai bên kéo nhau ra chính quyền “phân xử”.
Tại buổi làm việc với chính quyền phường 28, bà Hai trình bày: Bà không bán cho người nào khác ngoài bà Linh và bà Ngọc. Việc “sổ đỏ” của bà bị chuyển tên sang người khác là do bị lừa dối. Bà cho biết: “Năm 2007, do quen biết nên tôi được ông Đoàn Chí Hùng (trú tại 168/10/5 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11) – công tác tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh quận 10, làm thủ tục cho vay 1 tỷ đồng. Đến khi đáo hạn, do không có tiền trả nợ gốc và lãi nên ông Hùng dẫn tôi đến gặp ông Lý Tiến Đại (ngụ Bến Bình Đông, quận 8) và bà Lê Thị Thu (22/30 Tân Hóa, phường 1, quận 11) vay 1,3 tỷ đồng để giải chấp vào ngày 12/1/2009.
Để đảm bảo cho khoản nợ vay nói trên, ông Hùng, ông Đại, bà Thu “bắt” tôi làm hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên với giá 500 triệu đồng để làm tin. Đây là hợp đồng giả, chứ thực chất không có việc mua bán đất gì cả, nhà đất vẫn của chúng tôi, khi nào chúng tôi có tiền trả thì sẽ hủy hợp đồng này. Không ngờ, sau khi có hợp đồng, ông Đại, bà Thu cùng ông Hùng câu kết để chiếm đoạt nhà, đất của tôi, để rồi cuối cùng chuyển đến tay ông Phan Thành Muôn (trú tại 25 Thảo Điều, phường Thảo Điền, quận 2). Khi UBND phường 28 thông báo, vợ chồng tôi mới biết bị người khác chiếm đoạt tài sản”.
Cần nhắc lại rằng, trước đây bà Linh cũng đã có đơn nhờ giải quyết và UBND phường 28 cho rằng, sau khi tra cứu hồ sơ lưu, cho thấy: Đây là vụ việc có tính chất phức tạp, do vậy UBND phường 28 đề nghị bà Linh nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết. Điều đáng nói là trên thực tế đất đã được ông Hoàng, bà Hai giao cho bà Linh và bà Ngọc, nhưng cả hai người này đều không thể làm chủ tài sản của mình. Qúa bức xúc, bà Linh và bà Ngọc khởi kiện ông Hoàng, bà Hai ra TAND quận Bình Thạnh yêu cầu trả lại tài sản mình đã mua.
Việc vợ chồng ông Hoàng, bà Hai bị “lừa” hay chính họ cùng với những người đứng tên đất sau này cùng câu kết với nhau để “lừa” bà Linh, bà Ngọc, chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về câu chuyện “bi hài” này.
Liên quan đến câu chuyện, chúng tôi trao đổi với Luật sư Nguyễn Đức – Đoàn Luật sư Bình phước: Thưa Luật sư, trong vụ việc này quan hệ pháp luật được xác định như thế nào? - Theo tôi vụ việc này có hai quan hệ cần xác định rõ: Thứ nhất, quan hệ chuyển nhượng đất giữa vợ chồng ông Hoàng, bà Hai với bà Linh, bà Ngọc là giao dịch dân sự ngay tình. Theo đó, các bên đã giao nhận đất, nhận tiền, như vậy về mặt quyền và nghĩa vụ của các bên đã hoàn tất. Vấn đề còn lại chỉ là xem xét về hình thức hợp đồng có ra công chứng chưa. Nếu chưa ra công chứng thì khi thụ lý Tòa có thể buộc các bên hoàn thiện hình thức hợp đồng trong thời hạn 30 ngày. Nếu quá 30 ngày mà các bên không hoàn thiện, bên nào có lỗi sẽ phải bồi thường; Thứ hai, quan hệ giữa ông Hoàng, bà Hai với ông Đoàn Chí Hùng, bà Lê Thị Thu, ông Lý Tiến Đại là quan hệ vay mượn nợ. Hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Hoàng, bà Hai với ông Đại, bà Thu, có bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) không thưa Luật sư? - Tôi cho rằng, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Hoàng, bà Hai với ông Đại, bà Thu là hợp đồng giả cách nên bị vô hiệu ngay từ khi các bên giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự(BLDS). Theo đó, ông Hoàng, bà Hai có quyền khởi kiện ra tòa xin tuyên bố giao dịch này vô hiệu theo khoản 2 Điều 136 BLDS. Và một khi giao dịch giữa ông Hoàng, bà Hai với ông Đại, bà Thu vô hiệu thì tất cả những giao dịch sau đó cũng bị vô hiệu theo. Trong trường hợp ông Hoàng, bà Hai không chứng minh hợp đồng với bị ông Đại, bà Thu, ông Hùng là hợp đồng giả cách thì chính bà Hai và ông Hoàng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản Lúc này, cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ hành vi của ông Hoàng, bà Hai theo qui định pháp luật hình sự. Điều đáng lưu tâm trong vụ việc này là khi các cơ quan chức năng xử lý “vấn đề” (giải quyết vụ việc), cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Linh, bà Ngọc. |
Tố Nhi