Đây là thông tin được Bộ Tư pháp đưa ra tại buổi họp báo công tác tư pháp Quý III/2021. Buổi họp báo do Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì.
Tích cực tham mưu các vấn đề pháp lý trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch
Trong Quý III tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và công tác tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với vai trò thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Tư pháp đã tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến phòng, chống Covid-19 như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”…; tham mưu các vấn đề pháp lý trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19.
Trong lĩnh vực tư pháp, Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Tư pháp; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước của Bộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như lĩnh vực thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp hộ tịch, quốc tịch, thi hành án dân sự…
Bộ Tư pháp cũng tham gia tích cực và đạt nhiều kết quả tích cực với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030".
Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hội nghị mang ý nghĩa quan trọng nhằm mục tiêu tiếp tục rà soát, thống nhất đánh giá, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế và xác định mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới.
Sẽ có nhiều giải pháp trong thu hồi tài sản tham nhũng
Hệ thống THADS đã thi hành xong hơn 480.000 vụ việc với trên 34 nghìn tỷ. Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong có quan nhà nước đã thi hành xong 455 bản án. Các cơ quan thi hành án hành chính đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chức năng theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án.
Liên quan đến những bất cập trong công tác đấu giá tài sản, đặc biệt là việc đặt ra thêm các điều kiện cho người mua đấu giá, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng thông tư về tiêu chí đấu giá tài sản để đảm bảo công khai minh bạch, nâng cao chất lượng bán đấu giá. Luật Đấu giá cũng đã có quy định nghiêm cấm và xử lý việc đặt thêm điều kiện đối với người tham gia đấu giá. Thời gian qua, Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, bộ ngành liên quan đề nghị các đơn vị có thẩm quyền đáu giá thực hiện nghiêm quy định này.
Trả lời câu hỏi về thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết, năm 2021, hệ thống THADS đã thi hành hơn 3 ngàn việc, thu hồi hơn 4 ngàn tỷ đồng. Năm qua rất khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cách ly phong tỏa, đặc biệt nhiều địa phương số việc, tài sản lớn như Hà Nội, TP,HCM, Đồng Nai. Do đó, nhiều việc đang trong quá trình xử lý phải dừng lại. Cùng đó là các vướng mắc về thể chế, đặc biệt cơ chế ủy thác, tài sản nằm nhiều địa phương khác nhau…khiến việc THA kéo dài.
Ông Thắng Lợi cũng cho biết, sắp tới sẽ rà soát đánh giá tổng thể quy định pháp luât, trong đó sửa đổi bổ sung quy định tạo điều kiện cho cơ quan THA trong xử lý tài sản; có giải pháp xử lý các vụ việc giá trị lớn trong đó có tài sản tham nhũng; kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương…
Đối với nhóm câu hỏi liên quan đến việc báo chí phản ánh để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhiều địa phương có những quy định “vượt rào”, ngăn sông cấm chợ, không đúng quy định của pháp luật, bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản cho biết qua kiểm tra 165 văn bản có liên quan dịch bệnh covid, qua kiểm tra phát hiện một số nội dung vượt ra khỏi quy định pháp luật. Tuy nhiên các địa phương đã có sự sửa đổi, hoặc thu hồi kịp thời nên không phải thực hiện quy trình kiểm tra xử lý.