Dự hội thảo có: Ông Hồ Quang Huy – Trưởng Nhóm giúp việc, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp – Cơ quan Thường trực của Tổ công tác (chủ trì buổi hội thảo), TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cùng đại diện một số bộ, ngành, địa phương và thành viên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo. |
Theo dự thảo báo cáo được trình bày tại hội nghị, việc xem xét, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Với 670 nội dung được Quốc hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị xem xét đã được rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia… Việc nghiên cứu, cho ý kiến độc lập, xử lý kết quả sau rà soát theo yêu cầu của Quốc hội được thực hiện theo đúng tiến độ, lộ trình và kế hoạch đặt ra. Qua đó, đã có nhiều nội dung được thống nhất cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc liên quan đến nhiều lĩnh vực trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Bà Hà Thị Bạch - Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Tài chính, phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội nghị, Bà Hà Thị Bạch - Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Tài chính cho biết, nhất trí với các ý kiến phát biểu về bố cục dự thảo báo cáo. Trong đó, để nổi bật hơn nhiệm vụ của Tổ công tác, đề nghị bổ sung mục tiêu, phạm vi rà soát theo đúng Nghị quyết số:110/2023/QH15. Liên quan đến một số xử lý kiến nghị, hiện Bộ tài chính đã hoàn thành một số kiến nghị như kiến nghị liên quan đến dự trữ quốc gia đã ban hành Thông tư số 20, Thông tư số 21 ngày 25/3/2024. Một số kiến nghị liên quan đến các Luật “Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật thuế sử dụng, bổ sung Luật Thuế GTGT…” được nghiên cứu trình Quốc hội thông qua để xử lý kiến nghị.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch hiệp hội doanh thành phố Hạ Long cho biết: “nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng các cấp xã phường vẫn còn mắc lỗi hành chính, vậy tôi đề nghị các văn bản hành chính đều phải thông qua sở tư pháp kiểm soát văn bản trước khi ban hành”.
Theo Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực: “ cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020), làm rõ về vị trí, vai trò, thời điểm, nội dung, hình thức, giá trị pháp lý của việc tham gia góp ý, rà soát, xây dựng, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong đó có các tổ chức đại diện doanh nghiệp. Bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản”.
Ông Lê Thành Cung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội thảo. |
Ông Lê Thành Cung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh cho biết: “thực hiện theo chỉ đạo của Bộ tư pháp, Sở đã tham mưa UBND tỉnh cùng phối hợp với các sở, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đối với tỉnh Quảng ninh nhiều khó khăn vướng mắc trong áp dụng pháp luật đặc biệt trong lĩnh vực Tài nguyên môi trường và vấn đề nguồn lực, pháp chế, hiện tại lực lượng làm công tác tư pháp còn mỏng nên gặp khó khăn trong việc tổ chức pháp chế”.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “hiện nay, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, tác động của thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, áp lực cạnh tranh. Có một số quy định đang tồn tại hiện hành, nhưng khi thực hiện đã phát sinh nhiều bất hợp lý, không phù hợp. Do vậy, công tác rà soát VBQPPL phải được đặt lên một tầm cao mới, không chỉ rà soát tính mâu thuẫn, chồng chéo, mà việc rà soát những bất cập, bất hợp lý, đi chậm hoặc trái với xu thế phát triển xanh, phát triển số, phải cần được quan tâm hơn”.
Trung tá Trần Trung Thông - Trợ lý vụ pháp chế Bộ quốc phòng, phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đã thảo luận, tham gia nhiều ý kiến kiến nghị về một số mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập vướng mắc thực tế trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật tại các đơn vị cũng như đề xuất hướng xử lý những mâu thuẫn này.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Sau một thời gian làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra, với sự tham gia góp ý với tinh thần trách nhiệm cao, sát thực tế, qua đợt rà soát các văn bản lần này, tôi xin thay mặt tổ công tác tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các số liệu, đưa các ý kiến vào báo cáo để đánh giá sâu đậm, sắc nét hơn các vấn đề ngày hôm nay. Trong phạm vi trách nhiệm của Bộ tư pháp, thời thời gian tới, Bộ sẽ cùng với các bộ ban ngành khác thường xuyên rà soát các văn bản QPPL, đẩy nhanh tiến độ, xử lý các kết quả rà soát chặt chẽ hơn, tổng hợp hoàn thiện báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới, qua đó tạo lên môi trường pháp lý an toàn, dung hòa phát triển kinh tế xã hội”.