Chiều 20/10, tại khách sạn The Grand Hồ Tràm Strip, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ đã tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III năm 2023. Chủ trì hội nghị có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.
Ông Phan Văn Mãi kết luận tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Vùng Đông Nam Bộ là khu vực phát triển kinh tế năng động, trình độ phát triển cao, có lực lượng lao động dồi dào, hệ thống đô thị phát triển. Với Tp. Hồ Chí Minh là hạt nhân, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, đổi mới sang tạo lớn nhất của cả nước, Đông Nam Bộ có vị thế địa lí, chính trị và an ninh-quốc phòng quan trọng hàng đầu phía Nam”.
Phát triển liên kết vùng theo chủ trương của Bộ Chính trị
Trong những năm qua, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ có sự gắn kết chặt chẽ về mọi mặt. Mối quan hệ giữa các địa phương ngày càng mở rộng về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Với việc Tp. Hồ Chí Minh đã chủ trì thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đã triển khai hiệu quả chủ trương của Bộ Chính trị trong thực tiễn, phù hợp với mục tiêu chung, nhu cầu và lợi ích của các địa phương. Cụ thể tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị đã yêu cầu đẩy mạnh liên kết vùng với mục tiêu: “Tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác , liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.”
TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân của liên kết vùng
Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đã báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện các nội dung phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ quý III năm 2023 với nhiều nội dung quan trọng về việc phối hợp của vùng.
Cho đến hết quý III năm 2023, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã thực hiện được 7/12 nội dung phối hợp cấp vùng trong đó có nhiều công việc phối hợp các dự án trọng điểm quan trọng về lĩnh vực Giao thông Vận tải.
Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh đã thực hiện các hoạt động phối hợp liên quan đến dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, bao gồm thảo luận và thống nhất về quy mô đầu tư giai đoạn 1, quy mô đường song hành, phạm vi giải phóng mặt bằng. Các địa phươngcũng đã triển khai nhiệm vụ tổng hợp kết quả thực hiện các dự ánthành phần.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu khai mạc hội nghị |
Hội chợ du lịch quốc tế Tp. Hồ Chí Minh đã được tổ chức với 30 chương trình và hoạt động, thu hút hơn 25.000 khách tham gia. Triển khai Chương trình Kết nối cung cầu giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh. Hội nghị tổng kết Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ (Tp. Hồ Chí Minh) và khu vực giáp ranh với các tỉnh giai đoạn 2019-2022 đã được tổ chức, và sẽ tiếp tục triển khai đề án giai đoạn 2023-2026. Tp. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với Sở Y tế các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ theo từng địa phương. Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh đã kết nối với Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu cơ chế xây dựng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, cũng như tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng Đông Nam Bộ. Cuối cùng, vùng đã có các hoạt động liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực vùng phục vụ chuyển đổi số, cũng như tổ chức hội thảo và tập huấn để nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhiều khó khăn và cũng nhiều ý kiến tâm đắc được nêu ra tại hội nghị
Hội nghị lần này là lần thứ ba vùng Đông Nam Bộ tổ chức, nhằm rà soát kết quả nội dung các kỳ họp lần trước và thống nhất định hướng nội dung hợp tác phát triển trong thời gian tới. Tại Hội nghị đại diện các tỉnh, thành đã có các ý kiến phát biểu tập trung về nhiềunội dung về lĩnh vực Giao thông Vận tải (GTVT), du lịch, y tế…trong đó tập trung vào việc tạo ra các cơ chế phù hợp để thúc đẩy sự liên kết giữa các địa phương và phát triển của vùng, tạo cơ chế xây dựng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ.
Toàn cảnh Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ |
Hiện tại vẫn còn những khó khăn tồn tại trong phối hợp triển khaicác hoạt động của vùng Đông Nam Bộ về các dự án như đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh thì tình trạng nguồn vốn ngân sách khó khăn, các địa phương chưa thể cân đối được nguồn vốn cho dự án. Dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh chưa đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án, cần hoàn thiện nút giao Tân Vạn (tỉnh Bình Dương) để đảm bảo tiến độ của toàn dự án.Nguồn vật liệu xây dựng khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án trong vùng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành và sở, ban, ngành các tỉnh cũng đã có những phát biểu đánh giá lại các nội dung còn tồn tại và đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian sắp tới. Trong đó Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có ý kiến về việc ngoài kết nối đường bộ, vùng Đông Nam Bộ cần bổ sung nghiên cứu kết nối về hệ thống giao thông đường thủy và đường sắt để mở rộng phát triển vùng.
Sẽ sớm triển khai các hoạt động cụ thể
Tiếp thu ý kiến của các lãnh đạo UBND các tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, nghành của các tỉnh, thành tham gia hội nghị. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có kết luận ngắn gọn, đầy đủ các nội dung đã được đưa ra trao đổi tại hội nghị. Theo đó,đối với các dự án trọng điểm về GTVT trong kết nối vùng, ông đề nghị cần tập trung chỉ đạo, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, xây lắp công trình. Tăng cường tiến độ thực hiện dự án thành phần đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, bao gồm thiết kế kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ, và đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư trình Chính phủ.Phối hợp triển khai các dự án thành phần thuộc dự án đường Vành đai 4 ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, bao gồm việc đề xuất nguồn vốn, quy chuẩn kỹ thuật, và tổ chức thi công. Đảm bảo tiến độ dự án Vành đai 4 như trước đây đã đề xuất là chậm hơn dự án Vành đai 3 mộtnăm, vùng Đông Nam Bộ cũng cần tổ chức sớm 1 cuộc họp chuyên đề về dự án Vành đai 4 mời các bộ, ngành có liên quan tham gia.
Đối với việc thiếu vật liệu xây dựng như cát san lấp, đề xuất Chính phủ hỗ trợ điều phối nguồn vật liệu cát tại các vùng khác và Bộ GTVT nghiên cứu giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu cát đắp để cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc.
Đề xuất cuối quý 4 năm 2023 sẽ trình Chính phủ dự án xây dựng đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và hoàn chỉnh hồ sơ để quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời đề xuất nâng cấp, mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Nghiên cứutuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Thủ Thiệm – Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh. Các sở GTVT các tỉnh của vùng cùng chủ trì phối hợp, báo cáo Bộ GTVT phương án nghiên cứu. Bên cạnh đó cần phát triển giao thông thủy, giao thông trên tuyến đường vành đai biên giới. Đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thống nhất với UBND tỉnh Đồng Nai về phương án đầu tư Cầu Thủ Biên để sớm trình Chính phủ.
Về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù về điều phối, phát triển liên kết vùng, gửi về UBND Thành phố để tổng hợp, gửi góp ý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cơ chế chính sách này sẽ được trình lại trong hội nghị quý IV. Các tỉnh gửi tổng hợp về Tp. Hồ Chí Minh để trình báo cáo Chính phủ về các vướng mắc còn tồn đọng để xử lí.
Đối với hợp tác trong lĩnh vực y tế, ký kết Thoả thuận hợp tác và phát triển y tế vùng Đông Nam Bộ. Kết nối lĩnh vực quy hoạch để đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong quy hoạch phát triển. Tập trung vào phát triển bệnh viện tuyến cuối, thành lập đơn vị CDC vùng và đào tạo nhân lực y tế.
Với du lịch vùng Đông Nam Bộ, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có ý tưởng về chuỗi kết nối du lịch của vùng, cần các địa phương cùng chủ trì để có chuỗi kết nối du lịch vùng lớn hơn, thực hiện nhiền lần trong năm. Đầu tháng 12 có hội nghị du lịch của vùng, cần bàn vấn đề về thành lập chuỗi kết nối du lịch để khai thác triệt để tiềm năng du lịch của vùng.
Kết nối lĩnh vực nông nghiệp bằng cách tổ chức Tuần lễ sản phẩm OCOP và Hội chợ triển lãm nông nghiệp. Cần triển khai hợp tác về khoa học, tập trung cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và chuyển đổi số của vùng. Xây dựng đề án về trung tâm giáo dục của vùng Đông Nam Bộ. Ông Phan Văn Mãi cũng đề xuất sẽ tổ chức hội chợ xúc tiến đầu tư vùng để kêu gọi các nguồn lực đóng góp vào sự phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Về quy chế phối hợp, ông Phan Văn Mãi đề nghị củng cố, phát huy tốt các công tác chung của vùng và cơ chế trao đổi thông tin giữa các lãnh đạo tỉnh, thành trong vùng. Cần thống nhất các nội dung để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sắp tới.
Cuối cùng, chủ trì hội nghị đề nghị tỉnh Đồng Nai sẽ là địa phương đăng cai tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý IV.