Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình; Đại diện Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước, các Sở Tư pháp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh khu vực phía Nam.
Thứ Trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, việc tổ chức hội nghị đối thoại về công tác pháp chế đã được duy trì nhiều năm nay và nêu bật tầm quan trọng của công tác pháp chế trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, công tác chỉ đạo tổ chức pháp chế của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương ngày càng được tăng cường. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch nhằm triển khai và tăng cường công tác pháp chế; chỉ đạo sát sao, kiểm tra thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi về biên chế, cơ sở vật chất; giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
"Thời gian vừa qua đội ngũ cán bộ pháp chế đã phát huy được vai trò của mình, bước đầu công tác pháp chế đã đạt được những kết quả nhất định. Trong điều kiện công việc ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi chất lượng cán bộ làm công tác pháp chế cao hơn; yêu cầu tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp chế từng bước đáp ứng nhu cầu công việc" - Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nói.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam năm 2020 là diễn đàn tốt để các cán bộ pháp chế khu vực có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn và thảo luận những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trong các báo cáo, Bộ Tư pháp đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế yếu kém là lực lượng pháp chế còn mỏng, một bộ phận còn chưa đảm bảo chất lượng nên chưa đảm đương được công việc được giao với yêu cầu mới quan trọng hơn, khắt khe hơn nên trong phần giải pháp chung luôn có tiếp tục kiện toàn đội ngũ pháp chế.
Công việc ngày càng nhiều, nặng nề hơn, phức tạp hơn, yêu cầu ngày càng cao nhưng người thì ít, đòi hỏi phải thật mạnh, đặc biệt, trong bối cảnh tiến bộ khoa học diễn ra nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi nguồn nhân lực làm công tác pháp chế không chỉ cần nền tảng kiến thức chuyên môn luật vững chắc mà còn phải có khả năng thích ứng nhanh với yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời, phải có khả năng hội nhập nhanh trong môi trường quốc tế. Năng lực của người làm công tác pháp chế cũng cần phải thể hiện tư duy năng lực, đổi mới sáng tạo trong công việc, đáp ứng được các yếu tố về kiến tức mới và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường hoạt động của khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
Thực tế là lực lượng pháp chế chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, vì vậy, giải pháp trước mắt là cần phải hết sức chú trọng đến việc tăng cường năng lực cho đội ngũ pháp chế. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các ngành, các bộ trong thời gian qua thực hiện ráo riết việc tăng cường năng lực cho cán bộ pháp chế, thúc đẩy trường Đại học Luật Hà Nội mở riêng các lớp đào tạo văn bằng 2 cho cán bộ pháp chế, biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, hay tổ chức nhiều diễn đàn như hội nghị.
Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị đồng thời cũng là cơ hội để tăng cường giao lưu, học hỏi, gắn kết hơn nữa trong công tác phối hợp giữa những người làm công tác pháp chế. Và cũng là cơ hội để Bộ Tư pháp lắng nghe những đề xuất của các tổ chức pháp chế, các Sở Tư pháp, những người làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để có những giải pháp tăng cường công tác pháp chế, tư pháp trong thời gian tới để ngày càng phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Đại diện các sở, ban, ngành trao đổi ý kiến tại hội nghị |
Hội nghị cũng giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Đồng thời, tập huấn về nghiệp vụ đánh giá tác động thủ tục hành chính.