Hội nghị đối thoại do Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (Gọi tắt là Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành) Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức.
TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành; TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý; TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đồng chủ trì Hội nghị đối thoại. |
Phát biểu đề dẫn buổi đối thoại, TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho biết, tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thực tế, tuân thủ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật và tuân thủ nghiêm pháp luật.
"Hiện tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp phát triển và bước ra thế giới. Trong các Hiệp định thương mại tự do đặt ra những yêu cầu cao hơn về một số vấn đề, trong đó có môi trường. Nếu tuân thủ pháp luật Việt Nam thì có thể chưa cập nhật thế giới", TS Nguyễn Thanh Tú nêu, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta hướng tới giảm thiểu chi phí và rủi ro trong quá trình tuân thủ pháp luật, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hành trang pháp lý để tự tin bước ra và khẳng định trên thị trường quốc tế".
TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành phát biểu đề dẫn buổi đối thoại. |
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành chia sẻ, khi tham gia hội đồng trọng tài, ông thấy các doanh nghiệp, doanh nghiệp bị đơn không tham gia tố tụng trọng tài.
TS Nguyễn Thanh Tú nói: "Chúng tôi mong muốn giúp các doanh nghiệp hiểu không thể vì ngắn hạn mà lách luật mà phải vì lợi ích dài hạn. Bởi không tuân thủ pháp luật họ sẽ bị ảnh hưởng uy tín với xã hội, với khách hàng. Tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp sẽ vững vàng thâm nhập thị trường, lấy được niềm tin, uy tín, triển vọng, năng lực cạnh tranh của họ. Hội nghị đối thoại này diễn ra với mong muốn tiếp thu các ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp để gỡ vướng cho cả doanh nghiệp và phía quản lý nhà nước. Chúng tôi rất mong muốn trong Hội nghị này, chúng ta thẳng thắn góp ý, trên tinh thần xây dựng, cầu thị. Điều đó không chỉ giúp Báo Pháp luật Việt Nam tuyên truyền, Viện Chiến lược có thêm thông tin để hoàn thiện, mà còn cùng các cơ quan hữu quan, thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ pháp luật".
TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị đối thoại. |
Tại Hội nghị đối thoại, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, chủ đề Hội nghị là nội dung rất quan trọng, không mang tính hàn lâm mà là vấn đề hàng ngày của cả doanh nghiệp và người dân.
"Chúng ta luôn đặt câu hỏi chúng ta có tuân thủ pháp luật đúng hay không. Chúng ta đã quyết toán thuế chưa, chúng ta thực hiện các quy định "tròn" chưa? Khi chúng ta xây nhà, thuê người giúp việc... luôn gắn với vấn đề tuân thủ pháp luật. Tại hội nghị, chúng ta bàn và tìm thứ không thể vượt qua, phải làm - đó là tuân thủ pháp luật. Nó liên quan đến tính bền vững của doanh nghiệp. Giai đoạn này có thể nhỏ, nhưng nó sẽ có ảnh hưởng lớn về sau", Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật đang thay đổi dần, nhưng chưa thực sự phổ biến. Thực tế có thể tạo tâm lý, cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp thì "động vào đâu cũng sai, sờ vào đâu cũng sai". Doanh nghiệp nước ngoài sẽ ít hơn, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, hiện tượng này hầu như không có. Thực tế cũng có thể tạo tâm lý, việc quản lý tuân thủ pháp luật ở Việt Nam thường "nắm người có tóc", ví dụ quản lý an toàn thực phẩm, mới "siết" doanh nghiệp có trụ sở lớn còn thực phẩm vỉa hè chưa xử lý triệt để.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI. |
Tại Hội nghị đối thoại, bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt nhìn nhận, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã tạo ra hành lang cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp rất cần có hành lang pháp lý đầy đủ để hoạt động.
Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt, còn có các nội dung quy định pháp luật còn bất cập so với thực tế. Bà Nguyễn Thị Minh Thanh bày tỏ: "Doanh nghiệp của tôi và tôi nghĩ doanh nghiệp nói chung luôn sẵn sàng tuân thủ pháp luật. Nhưng doanh nghiệp như tôi đang gặp không ít vướng mắc khi tuân thủ các quy định pháp luật. Chúng tôi mong muốn các quy định pháp luật mang tính thực thi cao, đi vào hệ thống doanh nghiệp một cách đơn giản, cụ thể, để doanh nghiệp hạn chế nhiều chi phí không tên".
Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt phát biểu tại buổi đối thoại. |
Cùng suy nghĩ như bà Nguyễn Thị Minh Thanh, nữ doanh nhân Trần Ánh Phương, Giám đốc Cty TNhH T’imex chia sẻ, cá nhân bà thấy "tuân thủ pháp luật rất khó", do còn những thủ tục hành chính rườm rà, quy định chưa rõ ràng, dễ thay đổi...
"Doanh nghiệp hay cá nhân đều muốn tuân thủ pháp luật, vì chúng tôi ý thức, tuân thủ đúng pháp luật sẽ hạn chế nhiều khoản chi phí không đáng có kể cả thời gian và tiền bạc, giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh. Tôi hy vọng tiếng nói của mình sẽ góp phần vào việc đưa ra các giải pháp tốt hơn trong triển khai và tuân thủ pháp luật, như giảm bớt thủ tục hành chính, có những văn bản hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp, có những biện pháp kiểm tra, đánh giá, xử phạt cá nhân vi phạm triệt để hơn. Chúng tôi rất mong Báo Pháp luật Việt Nam thường xuyên phản ánh thực tế để các quy trình xây dựng pháp luật và doanh nghiệp thực thi pháp luật ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hơn", Giám đốc Cty TNhH T’imex nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp. |
Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp ghi nhận những ý kiến doanh nghiệp. Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp chia sẻ: "10 năm tôi làm pháp chế doanh nghiệp, tôi rất hiểu và đồng cảm với các doanh nghiệp, chúng tôi cũng hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Tôi hiểu doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện, tuân thủ pháp luật nhưng thường phải tự giác tìm hiểu pháp luật".
Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp khẳng định: "Chính sách rõ ràng là có. Chính phủ ngày càng quan tâm doanh nghiệp với các chính sách hỗ trợ quá tốt. Nhưng vấn đề cần là hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi. Tôi rất mong các cơ quan quản lý chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn. Chúng ta phải có chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật. Cán bộ phải gương mẫu, tự giác, làm đúng tinh thần trách nhiệm. Phải đồng thời cải thiện từ hai phía, cả người thực thi pháp luật và cơ quan quản lý".
Bà Hương Chất - Chủ tịch công ty TNHH xuất nhập khẩu & Thương mại Quyền Minh Vũ chia sẻ tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, bà Hương Chất - Chủ tịch công ty TNHH xuất nhập khẩu & Thương mại Quyền Minh Vũ chia sẻ đã kinh doanh 10 năm và rất ý thức tuân thủ pháp luật. "Chúng tôi luôn có nguyện vọng tuân thủ đúng pháp luật, vì chúng tôi hiểu, đó là nền tảng để chúng tôi đi đường dài một cách vững chắc. Khi thấy chưa hiểu biết pháp luật, chúng tôi đã tìm hiểu, song càng đọc, càng thấy khó... Tôi từng hỏi, tại sao không có cuộc thi, cấp chứng chỉ đủ trình độ về pháp luật, có bằng rồi mới được kinh doanh, để các doanh nghiệp mới khởi nghiệp không biết thì phải học, phải tuân thủ pháp luật ngay từ đầu. 10 năm nay tôi vẫn mày mò, đôi khi không biết mình có đúng luật hay không?", Chủ tịch công ty TNHH xuất nhập khẩu & Thương mại Quyền Minh Vũ giãi bày.
CEO Lê Dung - Tổng Giám đốc Cổ phần và đào tạo Nhân lực DGroup - Chủ tịch CLB CEO 1983 đồng tình ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn về triết lý quản lý kinh doanh.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và đào tạo Nhân lực DGroup - Chủ tịch CLB CEO 1983 |
Theo bà Lê Dung, Chính phủ đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh vai trò truyền thông chính sách. "Chúng tôi cần truyền thông chính sách, truyền thông để chúng tôi hiểu rõ các quy định pháp luật và truyền thông cũng để thể hiện chúng tôi là một đối tượng, là "khách hàng" của một số cơ quan quản lý. Tôi mong muốn cơ quan quản lý sẽ chăm sóc chúng tôi như một khách hàng.
Chúng tôi cũng mong muốn báo chí có thêm nhiều chương trình ý nghĩa, thu hút được doanh nghiệp tham gia như chương trình đối thoại do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý và Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức. Những chương trình thế này sẽ rất hữu ích cho chúng tôi, giúp tiếng nói đa diện của doanh nghiệp đến được các cơ quan quản lý, góp phần giúp chúng tôi tiếp cận chính sách kịp thời hơn. Ví dụ về chính sách hỗ trợ vốn, nhiều doanh nghiệp không biết cách để tiếp cận, bởi không có thông tin, hoặc khi có thông tin thì đã chậm.
Báo chí cần truyền thông, tư vấn. Theo cá nhân tôi, hiện nay có hai nhóm đối tượng doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật: Một là cố tình, hai là vô tình. Doanh nghiệp chúng tôi có câu cửa miệng: "Làm nhiều sai nhiều". Chi phí thành lập doanh nghiệp không lớn, lập doanh nghiệp không khó nhưng nếu không có kiến thức thì doanh nghiệp rất dễ sai, dễ phạm luật. Chúng tôi cần truyền thông để hoạt động đúng khuôn khổ".
TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp trăn trở trước những ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị.
TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp |
TS. Trần Minh Sơn cho biết, với khoảng 20 năm gắn bó với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ông thấy có những doanh nghiệp "thuộc lòng" Luật Doanh nghiệp nhưng áp dụng vẫn bị sai.
"Thực tế đã cho thấy việc vận dụng, tuân thủ pháp luật đem lại lợi thế rất lớn, bỏ chi phí nhỏ được cái lớn. Đa số doanh nghiệp mong muốn tuân thủ pháp luật nhưng thực tế cũng còn nhiều khó khăn. Tôi cũng mong muốn Báo Pháp luật Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn kinh doanh và pháp luật thường xuyên, lựa chọn các ý kiến của doanh nghiệp để góp phần hoàn thiện pháp luật kinh doanh. Tôi mong Báo Pháp luật Việt Nam có chuyên mục thường xuyên tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp phản ánh tới các cơ quan chức năng và ngược lại, đồng thời phản ánh thực tế thực thi pháp luật của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần xây dựng được đội ngũ luật sư tư vấn giỏi, tốt; các doanh nghiệp lựa chọn được các luật sư đồng hành cùng mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh".
Ông Phan Lâm, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thì quan trọng phải có hành lang pháp lý thông thoáng, kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế. Đơn vị quản lý, giám sát doanh nghiệp thực thi pháp luật phải kịp thời "gỡ vướng", hỗ trợ doanh nghiệp.
"Với doanh nghiệp, thời gian rất quan trọng. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện các quy định đăng kiểm, hoặc phòng cháy chữa cháy. Hàng nghìn doanh nghiệp làm dịch vụ phải tạm đóng cửa hoặc tạm đóng cửa vì không đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Thực tế này cần cơ quan quản lý phải tìm hiểu, nhận thấy doanh nghiệp đang vướng mắc như thế nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, có chế tài đủ mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có trách nhiệm trong giải quyết công việc, giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp", ông Phan Lâm nói.
Ông Phan Lâm, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN |
Ghi nhận và đồng tình với các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý nhấn mạnh: "Chúng ta không đề cập việc có tuân thủ hay không tuân thủ mà chúng ta bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vấn đề là làm thế nào để tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật một cách thuận lợi nhất. Qua chia sẻ của các doanh nghiệp có thể thấy, doanh nghiệp đều rất nhọc nhằn trong quá trình tuân thủ và thực thi các quy định của pháp luật. Chúng tôi rất chia sẻ và cảm thông với những băn khoăn của các doanh nghiệp."
"Chúng tôi sẽ trân trọng những ý kiến các anh chị đóng góp tại chương trình này, sẽ chắt lọc, sử dụng trong quá trình góp ý xây dựng luật" - ông nói.
Hội nghị đối thoại "Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp" kết thúc tốt đẹp. Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam - đơn vị chủ trì chính hội nghị phát biểu kết luận: "Chúng ta đã có một buổi tọa đàm rất chất lượng. Trong những năm qua, ý thức, điều kiện tuân thủ pháp luật ngày càng nâng lên, tuy nhiên, thực tế còn nhiều tồn tại. Điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau như năng lực tổ chức và thực thi, văn hóa pháp lý của doanh nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn.
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam - phát biểu kết luận Hội nghị |
Chương trình đối thoại này có nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý. Đây là những ý kiến có chiều sâu, thực tiễn cao, gắn với thực tế của doanh nghiệp. Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, một đơn vị truyền thông về chính sách..., chúng tôi trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến, trên cơ sở đó tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, pháp luật, góp phần tăng cường ý thức thực hiện pháp luật của doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để tổ chức các hội thảo tiếp theo, như một kênh để doanh nghiệp chia tâm tư, phản ánh nguyện vọng tới cơ quan nhà nước và ngược lại, để việc hoàn thiện và tuân thủ pháp luật hiệu quả hơn".
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trụ sở Bộ Tư pháp |
***
Hội nghị đối thoại do Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý và Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) phối hợp tổ chức. Chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện do Báo Pháp luật Việt Nam, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý và Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành).
Hội nghị là hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa ý nghĩa của Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta chú trọng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự chương trình đối thoại. |
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Quyết định số 345/QĐ-TTg đã đề ra là tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp… Trên cơ sở đó, tại Hội nghị đối thoại, các đại biểu sẽ cùng thảo luận, cho ý kiến về những khó khăn, bất cập của các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…; đồng thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý, nhà quản lý, doanh nghiệp, doanh nhân: Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội; Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp; Ông Phan Lâm, Trưởng Ban Biên tập, Tạp chí Pháp luật và Phát triển; PGS.TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục văn hóa truyền thống; Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt; CEO Lê Dung, Tổng Giám đốc Công ty CP và Đào tạo Nhân lực Dgroup…