Cùng dự có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương, các Phó Chủ tịch Hội đồng: Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy cùng đông đủ các thành viên Hội đồng, các thành viên Tổ thư ký.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh hoan nghênh các đại biểu tham dự phiên họp đầu tiên sau khi Hội đồng được kiện toàn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo Phó Thủ tướng Thường trực, sau 20 năm hoạt động, với nhận thức về tầm quan trọng của công tác PBGDPL, nhất là sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư, Hội đồng từ chỗ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch đã được nâng cấp do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch. Trên cơ sở kiện toàn này thì phiên họp đầu tiên cùng nhau quán triệt Quy chế làm việc, trao đổi đánh giá về tình hình PBGDPL thời gian qua.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá là xây dựng thể chế, việc xây dựng thể chế thành công hay không thì việc thực hiện hết sức quan trọng, trong đó có vai trò của PBGDPL. Vì vậy, nhiệm vụ của Hội đồng là PBGDPL, đóng góp vào việc PBGDPL và thành phần thành viên của Hội đồng rất đông đảo gồm tất cả các Bộ, ngành, ban Đảng, đoàn thể, thể hiện tầm quan trọng của Hội đồng để thực hiện xây dựng, thực thi thể chế.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của Hội đồng trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật. |
Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Phiên họp tập trung thảo luận phương hướng nhiệm vụ hoạt động của Hội đồng giai đoạn 2022-2026, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 gắn với chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng; đánh giá, bàn các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính thực chất trong hoạt động của Hội đồng; nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để trong thời gian vừa qua như nguồn lực bảo đảm (trong đó có nguồn lực con người, kinh phí); trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các cơ quan; đa dạng hoá nguồn lực PBGDPL trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đồng thời, trao đổi, khuyến khích các thành viên có đề xuất, kiến nghị để Hội đồng có thể tham mưu tốt nhất cho Chính phủ trong hoạt động PBGDPL.
Báo cáo tại Phiên họp về tình hình hoạt động của Hội đồng các cấp thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Hội đồng các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn về tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả hoạt động của Hội đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng các cấp thời gian qua. |
Tuy nhiên, hoạt động của Hội đồng các cấp cũng còn không ít tồn tại, hạn chế. Do đó, để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện công tác PBGDPL tại Kết luận số 80-KL/TW và các nhiệm vụ, giải pháp trong Quyết định số 1521/QĐ-TTg, công tác PBGDPL thời gian tới đứng trước yêu cầu phải tăng cường chất lượng, hiệu quả, là cầu nối bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Trên cơ sở này, Bộ Tư pháp đề xuất Hội đồng Trung ương giai đoạn 2022-2026 cần tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL; tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản, chú trọng PBGDPL về lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, lấy ý thức chấp hành pháp luật làm thước đo hiệu quả công tác PBGDPL; chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL, đề xuất các giải pháp căn cơ bảo đảm đảm nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL…
Còn trong năm 2022, Bộ Tư pháp đề xuất Hội đồng Trung ương chỉ đạo kiện toàn Hội đồng các cấp theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, phân công, phân nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng; chỉ đạo, hướng dẫn tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; chỉ đạo xây dựng, tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình PBGDPL giai đoạn 2022-2027, Đề án đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL và các đề án mới trong Chương trình bảo đảm thực chất, khả thi…
Dịp này, Bộ Tư pháp đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương dành nguồn lực ưu tiên cho công tác PBGDPL, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác này; dành thời gian chỉ đạo trực tiếp một số Đoàn kiểm tra của Hội đồng khi điều kiện cho phép… Bộ Tư pháp cũng đề nghị các thành viên Hội đồng chủ động tham mưu giúp Thủ trưởng bộ, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác PBGDPL bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao; tiếp tục tham mưu, chỉ đạo thực hiện các giải pháp, nhất là chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong xây dựng và vận hành, cập nhật thông tin, nội dung PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử PBGDPL quốc gia…