Đặt nền móng và mở ra mô hình đào tạo mới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nêu rõ, ngày 11/2/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh tư pháp, nay là Học viện Tư pháp (HVTP). Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dấu son khởi đầu của Học viện trong sự nghiệp đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã trải qua chặng đường nhiều thăng trầm nhưng cũng đầy tự hào, tới nay đã thực sự vươn mình, trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp, là lá cờ đầu của ngành Tư pháp trong sự nghiệp bồi dưỡng cán bộ tư pháp.
Điểm lại những kết quả nổi bật của HVTP trong suốt 20 năm qua, Thứ trưởng cũng nêu lên những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là các giải pháp được xác định trong Đề án “Xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp”. Do vậy, Thứ trưởng hy vọng thông qua Hội thảo này, các đại biểu sẽ có dịp trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể để phát triển HVTP trong thời gian tới, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, quản trị giáo dục…
Thứ trưởng yêu cầu các giải pháp, đề xuất phải đặt trong bối cảnh chung của đất nước, của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó lưu ý tới chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Qua 20 năm hình thành và phát triển, HVTP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó Giám đốc HVTP Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh, đào tạo, bồi dưỡng là thành tích nổi bật đầu tiên, cũng là đóng góp to lớn nhất của HVTP trong việc xây dựng nguồn nhân lực tư pháp phục vụ công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
HVTP đã đặt nền móng và mở ra mô hình đào tạo mới là đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm để tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, từ đó, hình thành tiêu chuẩn, điều kiện luật định về chuyên môn, nghiệp vụ khi bổ nhiệm chức danh tư pháp. HVTP đóng góp công sức lớn tạo nguồn, hỗ trợ và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức viên chức khác cho các ngành Toà án, Kiểm sát, Tư pháp, Hải quan và theo nhu cầu xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Tính đến nay, HVTP đã và đang đào tạo được 51.210 học viên, trong đó có 43.049 học viên đã được công nhận tốt nghiệp, đã tổ chức bồi dưỡng cho khoảng 33.000 lượt người.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu tham quan phòng truyền thống của Học viện Tư pháp. |
Với xuất phát điểm ban đầu chỉ có 1 đối tượng chức danh tư pháp được đào tạo là Thẩm phán, 1 chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử, đến nay, HVTP có nhiệm vụ đào tạo 9 chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp; đã và đang triển khai 11 chương trình đào tạo nghiệp vụ, đào tạo nghề. Đặc biệt, để phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2017, lần đầu tiên HVTP triển khai chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế và chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư; triển khai hàng chục chương trình bồi dưỡng.
Bên cạnh việc tập trung đào tạo tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, HVTP đã mở rộng phạm vi đào tạo tại các địa phương khác, đồng thời mở nhiều lớp bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội. Nhờ đó, HVTP đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy, có uy tín đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành và nhu cầu xã hội trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghề luật, vị trí việc làm.
Là cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng, HVTP rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là trong việc ứng dụng hoạt động nghề luật. HVTP đã có 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 11 công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 86 công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tổ chức khoảng 100 Hội thảo, hội nghị, toạ đàm khoa học trong nước và quốc tế có chất lượng cao. Tạp chí Nghề luật được công nhận là tạp chí được tính điểm khoa học tại Hội đồng chức danh giáo sư ngành khoa học an ninh và ngành luật học. Với những thành tích đó, HVTP là một trong ba đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
Đào tạo nghề các chức danh tư pháp và định hướng ứng dụng nghề luật là hoạt động đào tạo khá mới mẻ, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm nên HVTP đã tích cực chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ thực hiện nhiều hoạt động hợp tác nhằm đúc rút học tập kinh nghiệm của các nước. HVTP đã có 11 dự án hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế và nước ngoài, HVTP còn được giao là cơ quan thực hiện Dự án ODA hỗ trợ HVTP quốc gia Lào.
Với bề dày thành tích đã đạt được, HVTP đã được tặng 2 Huân chương Lao động hạng Ba, một của Nhà nước và một của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; nhiều năm liền được Bộ Tư pháp ghi nhận là tập thể lao động xuất sắc và 2 lần được tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp cùng hàng chục Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và của Chủ tịch UBND một số tỉnh trong cả nước. Nhiều tập thể, cá nhân của Học viện cũng đã được công nhận là tập thể lao động xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu và Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên kéo băng khánh thành phòng truyền thống. |
Phấn đấu trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp
Với những định hướng lớn đã được Đảng và Nhà nước xác định, đồng thời hướng đến tự chủ tài chính trước năm 2021, HVTP cần có tầm nhìn mới trong phát triển, cần đặt mục tiêu vươn ra quốc tế với sứ mệnh trong những năm tiếp theo là: “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Để trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp của Việt Nam, mục tiêu phát triển chung của HVTP là phải giữ vị trí trung tâm trong các cơ sở đào tạo chức danh tư pháp, gia nhập hệ thống giáo dục quốc dân và đến năm 2030 trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo định hướng ứng dụng, có chỉ số xếp hạng cao trong khung xếp hạng cơ sở giáo dục quốc dân Việt Nam.
Để làm được điều đó, HVTP phải tạo nên sự khác biệt trong việc cung cấp sản phẩm đào tạo, cạnh tranh với các sản phẩm của các cơ sở đào tạo khác bằng cách phải có “sản phẩm hạn chế”, “sản phẩm đặc biệt” và các “sản phẩm đồng loạt” có chất lượng cao. Song song với đó, HVTP cần phải xây dựng lại thương hiệu dựa trên 3 yếu tố cơ bản đó là chất lượng sản phẩm đào tạo và bồi dưỡng; chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải thu hút “khách hàng” là người học và người sử dụng sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phải tiện dụng, hiện đại, linh hoạt.
Với chiến lược khắc phục những khiếm khuyết nội tại để chiếm lĩnh các cơ hội, mục tiêu cơ bản của giai đoạn từ nay đến năm 2021, HVTP phải thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng nguồn nhân lực đủ số lượng, có năng lực, phẩm chất chính trị tốt, đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ theo hướng phục vụ và tạo dựng môi trường văn hóa chất lượng khi thực hiện bất cứ công việc gì. Ba đột phá chiến lược này phải được tiến hành song song, đồng thời để giúp HVTP sớm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.