Không để “cái xảy nảy cái ung” gây xung đột xã hội, hoạt động hòa giải cơ sở (HGCS) đã góp phần giải tỏa vướng mắc từ cơ sở, giảm bớt khởi kiện, khiếu nại... Vì thế, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động HGCS chính là nội dung mà ban soạn thảo dự thảo Luật HGCS hướng tới khi thảo luận về dự thảo Luật này tại phiên họp lần thứ 4 chiều qua (31/5).
Ảnh minh họa |
Có cần một “biên bản hòa giải thành”?
Lập biên bản hòa giải và giá trị biên bản hòa giải thành là một trong những nội dung được chuyên gia của các Bộ, ngành, đoàn thể quan tâm trong dự thảo Luật HGCS. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền (Phó Trưởng Ban soạn thảo) nhấn mạnh, xác định đúng giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành để việc hòa giải thành được tiến hành trọn vẹn và có giá trị trong thực tiễn, phát huy vai trò của hình thức hòa giải.
Với quan điểm “Biên bản hòa giải” là “dấu ấn” khẳng định hoạt động hòa giải đã được thực hiện, ông Đàm Xuân Toan (Phó Tổng thư ký TƯ Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, biên bản hòa giải có ý nghĩa để “biết có bao nhiêu cuộc hòa giải đối với một tranh chấp, mâu thuẫn, là căn cứ để xác định chế độ “hỗ trợ” cho hòa giải viên (HGV) nếu có. Đồng thời, cũng là căn cứ để những người đã thống nhất kết quả hòa giải thành không thể “lật lọng” làm ảnh hưởng đến giá trị kết quả hòa giải thành…”. Song nên “mềm hóa” bằng “thỏa thuận” thay vì “biên bản” cho phù hợp với tính chất dân sự và tự nguyện của hoạt động HGCS.
Tán thành một “biên bản hòa giải thành” để “chốt” kết quả hòa giải, ông Nguyễn Duy Lượng (Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam) cho rằng, bắt buộc có biên bản hòa giải thành để “người dân coi trọng HGCS, hạn chế hòa giải nhiều lần, kéo dài mâu thuẫn, tranh chấp”.
Còn ông Nguyễn Văn Pha (Phó Chủ tịch TƯ MTTQ Việt Nam) tuy thừa nhận “có chuyện “bội ước” sau hòa giải”, nhưng cho rằng, hòa giải là vấn đề dân sự nên trước khi có quyết định của cơ quan Nhà nước thì dù các bên có ký biên bản mà không thực hiện thì cũng không ai làm gì được. Do vậy, ông Pha nhất trí với dự thảo, không bắt buộc lập biên bản hòa giải thành, trừ trường hợp các bên mâu thuẫn, tranh chấp yêu cầu. Đây cũng là quan điểm của nhiều thành viên Ban soạn thảo.
Tương tự, ở khía cạnh khác, bà Hà Thị Thanh Vân (TƯ HLHPN Việt Nam) đề cập đến nhiều trường hợp sau hòa giải thành, một trong hai bên hoặc cả hai lại muốn thay đổi, nên nếu có biên bản hòa giải thành (như một kết quả bắt buộc cho việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp) thì quá “cứng nhắc”, nhất là có trường hợp, những thay đổi sau hòa giải có thể làm phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp mới.
Còn theo bà Lại Thị Thu Hà (Viện KHXX – VKSNDTC), nguyên tắc quan trọng nhất của HGCS là “tự nguyện”, nên “không thể bằng 1 biên bản hòa giải thành mà “ép” những người có tranh chấp được hòa giải phải thay đổi quan điểm”.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Đó là quan điểm xuyên suốt quá trình thảo luận về dự thảo Luật HGCS như ý kiến của ông Văn Tất Thu (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) “nước ta đang trong quá trình hình thành pháp quyền, HGCS giúp Nhà nước rất nhiều theo văn hóa pháp lý “100 cái lý không bằng tý cái tình”. Nhà nước không thể làm tất cả mọi việc mà nhiều việc phải để người dân làm theo hành lang pháp lý do Nhà nước xây dựng và ban hành”.
Bà Hà Thị Thanh Vân cho rằng, “không nên hành chính hóa hoạt động HGCS, mà phải tạo hành lang pháp lý để HGCS thành truyền thống, thành hình thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phù hợp giai đoạn hiện nay”. Ngay việc qui định “đề nghị UBND công nhận danh sách HGV” cũng khiến nhiều thành viên ban soạn thảo nhận định là “hành chính hóa hoạt động HGCS”.
Bởi thực tiễn, HGV thường là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, thành viên các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở cơ sở (trừ già làng, trưởng bản). Cho thêm chính quyền cấp xã “can thiệp” vào sẽ mất đi yếu tố “dân gian” trong hoạt động HGCS.
Vì vậy, đa số thành viên ban soạn thảo và nhiều chuyên gia đều có ý kiến, dự thảo Luật nên huy động sự tham gia của cộng đồng vào HGCS mà không cần quá nhiều công sức của chính quyền địa phương, dù chính quyền vẫn có “vai trò” quan trọng đằng sau để quản lý, giám sát và hỗ trợ.
Thậm chí ông Nguyễn Văn Pha còn thấy rằng, hỗ trợ kinh phí cho HGV “sẽ hành chính hóa hoạt động này” dù tán thành hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải để tăng cường hiệu quả của HGCS trong điều kiện kinh tế thị trường. Nhận thấy, các hoạt động hỗ trợ cho hoạt động HGCS (cụ thể là các tổ hòa giải) sẽ lại được dồn xuống cấp cơ sở, một số ý kiến đề nghị XHH hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho HGV,…, còn Nhà nước (ngành Tư pháp, cán bộ tư pháp cơ sở) chỉ hỗ trợ qua việc hướng dẫn nghiệp vụ, bảo vệ quyền và lợi ích của HGV…
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao sáng kiến của bà Vân về khuyến khích cơ chế hòa giải cá nhân (giữa cá nhân với nhau). Theo bà Vân, ngoài hoạt động của tổ hòa giải, cơ chế hòa giải cá nhân mới xã hội hóa và đưa được hoạt động HGCS sát với cuộc sống hàng ngày ở cộng đồng dân cư khi “có những vụ chỉ cần 1 cá nhân đứng ra và mất vài chục phút, thậm chí vài phút là đã có thể hòa giải xong, sao cần phải vận hành cả tổ hòa giải?”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Trưởng ban soạn thảo Hà Hùng Cường: - Dự thảo Luật phải kế thừa tối đa ý tưởng của Pháp lệnh HCGS và luật hóa những qui định đã mang tính ổn định của các Nghị định và hướng dẫn của Chính phủ trong lĩnh vực HGCS, làm triệt để để HGCS thực sự đóng vai trò trong XH, hoàn thiện và mở rộng mạng lưới tổ hòa giải, tăng cường hoạt động HGCS. Trung tâm của Luật HGCS là “bám” vào cấp xã, thông qua các Tổ Hòa giải (tối thiểu 1 tổ/1 thôn, bản, ấp) nên vai trò của chính quyền xã vẫn phải chủ trì theo hướng “Mọi việc dân làm hết, xã chỉ đạo”. Nhưng XHH HGCS lấy MTTQ làm “trung tâm” với 5 đoàn thể chính trị xã hội và Hội luật gia. Nhà nước chỉ tạo hành lang và hỗ trợ về pháp lý, khen thưởng, xử lý vi phạm. Đặc biệt lưu ý đến hoạt động theo dõi, đôn đốc hoạt động HGCS, qui định chặt chẽ thủ tục, trình tự tiến hành HGCS, công nhận, cho thôi HGV và hoạt động của Tổ hòa giải, không để tình trạng “hữu danh vô thực”, thành lập mà không làm việc, không gương mẫu, thậm chí vi phạm pháp luật mà vẫn được “sờ sờ” tồn tại thì không ai tín nhiệm mà thực hiện hòa giải được. |
Huy Anh